Mẹ thà "vứt" con còn hơn để... chồng cũ và nhân tình được sung sướng

Hoài Nam

(Dân trí) - Người thân trong gia đình nhiều lần vận động người mẹ đón con về nhưng chị lắc đầu. Người mẹ tuyên bố "thà con mình chịu khổ còn hơn để... chúng được yên thân, sung sướng".

Trong nỗi bế tắc tận cùng, chị Lê Ngọc Oanh, 34 tuổi, ngụ ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM kể về câu chuyện gia đình mình tại tọa đàm về chủ đề ly hôn. Câu chuyện rất khó tin, rất khó chấp nhận, rất khó hình dung... 

Mẹ thà vứt con còn hơn để... chồng cũ và nhân tình được sung sướng - 1

Nhiều đứa trẻ rơi vào bi kịch kể cả khi bố mẹ đã ly hôn (Ảnh minh họa: Pexels).

Nhiều năm qua, dù không mấy khá giả, vẫn ở nhà trọ, vợ chồng chị gái ruột chị Oanh có cuộc sống tương đối êm đềm cùng cậu con trai. Anh chồng rất cưng chiều vợ, đi làm lo hết mọi chi phí sinh hoạt gia đình nên chị ở nhà nhiều năm qua. 

Trắc trở nhất trong gia đình anh chị phải kể đến cậu con trai từ bé có tiếng siêu quậy, khó ăn uống.

Rồi một ngày, chị cùng tất cả người thân quen sốc khi biết chồng chị có bồ. Người tình của anh là một bà mẹ đơn thân có 3 con, làm nghề cắt tóc gội đầu. 

Cách người vợ phát hiện chồng có bồ cũng thật khó hình dung. Anh chồng dẫn cậu con trai hơn 6 tuổi đến nhà tình nhân, ôm ấp người tình ngay trước mặt đứa trẻ và nói cháu về... mách lại mẹ. Sau khi công khai, người chồng chuyển hẳn sang sống với mẹ con tình nhân. 

Người vợ điên cuồng tìm đến đánh ghen rồi quay sang níu giữ, kêu gọi hai bên nội ngoại cùng hỗ trợ nhưng mọi nỗ lực bất thành. 

Họ ra tòa, công khai đùn đẩy trách nhiệm nuôi con cho đối phương. Cả bố và mẹ không ai nhận nuôi cậu con trai duy nhất. Không có việc làm, không có thu nhập ổn định trở thành lợi thế với người mẹ khi chị thắng cuộc trong cuộc chiến... khước từ quyền nuôi con. Tòa giao quyền nuôi cậu bé cho người bố. 

Ngày ở tòa, khi dắt con đi, anh chồng tức tối xả vào mặt vợ cũ: "Tôi sẽ nuôi con, để cho nó biết có kẻ làm mẹ đã chối bỏ nó như thế nào". 

Trước khi đẩy được con sang cho đối phương, người mẹ còn kịp dặn đứa trẻ: "Con về bên đó, cứ thấy ba và dì ôm nhau là con phải khóc thật to, hét thật lớn để bảo vệ mẹ nha". 

Đã gần hai năm sau ngày chia tay, ông bố bà mẹ ấy vẫn không ngừng chửi bới, chì chiết, rủa xả nhau với cái cớ là đứa con - mối ràng buộc duy nhất còn sót giữa họ. 

Chị Oanh kể, cháu mình ở với bố và dì, ngoài lúc đến trường thì tất cả thời gian còn lại... được ném cho một cái điện thoại, tha hồ chơi game. Không ai la, không ai mắng, không ai quan tâm cậu bé. 

Những lần sang đón cháu, chị Oanh không khỏi quặn lòng. Đứa bé học lớp 3 chỉ nặng hơn 18kg, xanh xao, xơ xác, lờ đờ, môi lúc nào cũng nứt nẻ vì thiếu nước. 

Ở trường, giáo viên cũng hết cách với cậu bé nhưng càng bất lực hơn khi gọi điện mời bố mẹ lên trao đổi thì cả hai đều từ chối. 

Khi nào chị Oanh sang đón về thì lúc đó cậu bé mới được gặp mẹ. Còn gần hai năm qua, người mẹ quyết không tới gặp con, không đón, không mua cho con gói bánh, bộ quần áo... 

Rất nhiều lần chị Oanh, người thân trong gia đình trao đổi, cố gắng thuyết phục chị đón con về, mọi người sẽ cùng đứng ra lo cho hai mẹ con nhưng người mẹ từ chối.

Bà mẹ 36 tuổi tuyên bố: "Thà để con mình chịu khổ còn hơn là để... chúng (chồng cũ và người tình - PV) được sống yên ổn, sung sướng". 

Sau ly hôn, người mẹ chưng diện ngất trời, hẹn hò khắp nơi. Lâu lâu, chị lại đăng lên mạng bức hình gầy còm, lếch thếch của con cùng đủ lời cảm thán chua xót như: "Chỉ vì hạnh phúc riêng của ba mà con phải hứng chịu tất cả đau thương này", "Nhìn con mẹ đau hơn bao giờ hết!", "Lương tâm của các người đâu hết rồi mà đẩy con tôi vào cảnh đọa đày"...

Phía dưới mỗi bài viết đó tới tấp những lời động viên, chia sẻ, an ủi với người mẹ bị chia cắt với con. 

Chị Lê Ngọc Oanh bày tỏ, câu chuyện ngay bên cạnh mình, ngay trong gia đình mình làm chị trở nên nghi ngờ thứ người đời hay nói "bố mẹ nào cũng yêu con", nghi ngờ cả những người luôn nói về việc vật vã giành quyền nuôi con sau ly hôn hay những lời yêu con trên mạng xã hội... 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 600.000 vụ ly hôn, con số được dự báo sẽ không ngừng tăng. Chỉ riêng tại địa phương như Quảng Bình, tỉnh chưa đến 1 triệu dân, chỉ trong 8 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ ly hôn. 

Mẹ thà vứt con còn hơn để... chồng cũ và nhân tình được sung sướng - 2

Ly hôn thiếu văn minh của người lớn thường để lại những ảnh hưởng tâm lý nặng nề đến con trẻ (Ảnh minh họa: tuvanlyhon.net).

Thực tế đã xảy ra không ít sự việc chồng giết vợ, vợ giết chồng sau ly hôn và cũng không thiếu những đứa trẻ bị chính bố mẹ góp tay hủy hoại, cùng với cuộc hôn nhân tan vỡ của họ. 

Có đứa trẻ phải mất mạng như bé gái bị bố dượng đóng cả chùm đinh vào đầu, rồi bé gái bị "mẹ kế" đánh đến chết ngay trước sự chứng kiến của bố ruột...

Hay như cháu chị Oanh và biết bao nhiêu đứa trẻ khác, hậu ly hôn của bố mẹ cũng là lúc chúng rơi vào những tình huống đau lòng.

Những đứa trẻ không được bảo vệ khi gia đình tan vỡ, có khi còn bị chính bố mẹ biến thành vũ khí, mà vũ khí đó gây sát thương cho chính chúng hơn bất kỳ ai.