1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mẹ già mỗi ngày đi 70km lên TPHCM bán bánh tét nuôi gia đình

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tuổi đã ngoài 60, bà Hường vẫn hằng ngày một mình đi 70km từ Tiền Giang lên TPHCM, bán bánh tét rong trên phố, kiếm từng đồng nuôi gia đình nhỏ.

Hàng bánh tét nuôi cả gia đình

Sáng sớm ngày cuối năm se lạnh ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Hường (64 tuổi, quê Tiền Giang) chỉ khoác chiếc áo mỏng, ngồi co ro bên cạnh hàng bánh tét.

Mẹ già mỗi ngày đi 70km lên TPHCM bán bánh tét nuôi gia đình - 1

Bà Hường bên cạnh xe đẩy chở đầy bánh tét (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thấy món bánh truyền thống được bán giữa phố lớn Sài Gòn, người qua lại thích thú ghé vào để mua ủng hộ. Lúc này, bà Hường vội vã lựa những đòn bánh ngon nhất cho khách, mừng rỡ bỏ túi mớ tiền lẻ vừa bán được.

"Bán món này chủ yếu lấy công làm lãi. Vì tiền đi xe, ăn uống đã chiếm gần một nửa. Bánh được chính tay vợ chồng tôi chọn nguyên liệu, gói và hấp ở nhà cả đêm rồi sáng sớm mang lên bán", bà Hường nói.

Bà Hường cho hay, 4h sáng bà đã dậy, chuẩn bị hàng rồi đi xe khách từ Gò Công, Tiền Giang lên TPHCM. Ở nhà, chồng bà phụ trách việc gói và hấp bánh để kịp chuẩn bị mẻ bánh mới cho ngày hôm sau.

Mẹ già mỗi ngày đi 70km lên TPHCM bán bánh tét nuôi gia đình - 2

Những chiếc bánh tét do chính tay bà và chồng gói, đặt ngay ngắn trên xe (Ảnh: Nguyễn Vy).

Khi đến thành phố, bà Hường sẽ đẩy xe đi từ đường Trần Hưng Đạo đến Tản Đà rồi chiều sẽ vòng về Nguyễn Trãi (cùng ở quận 5) để tiện đường ra bến xe trở về Tiền Giang. Mỗi ngày, bà Hường phải cố bán hết bánh trước 18h để kịp chuyến xe khách. Bởi bánh để qua đêm sẽ không còn ngon, bán không hết là phải đem bỏ.

Mưu sinh cả ngày, dù nắng hay mưa, người dân ở khu vực quận 5 vẫn thấy bà Hường ngồi bán ở các góc đường. Gương mặt sạm nắng, bà Hường vẫn cảm thấy may mắn khi còn sức lao động.

Vài tháng trước, hàng bánh của bà được giới thiệu trên mạng xã hội, nhiều người biết tới và đến ủng hộ bà.

"Tôi bán bánh ở đây đã hơn 20 năm, nuôi cả gia đình 4 miệng ăn. Hàng bánh của tôi được nhiều người thương, mua ủng hộ lắm. Nhưng tôi cũng bị không ít người lợi dụng, lừa gạt", bà Hường kể.

Mẹ già mỗi ngày đi 70km lên TPHCM bán bánh tét nuôi gia đình - 3

Hiền lành, xởi lởi mà dáng điệu vất vả, bà luôn được nhiều khách thương mến (Ảnh: Nguyễn Vy).

Mong một ngày được nghỉ ngơi

Bà Hường nhớ nhất ngày bị một thanh niên lừa hết tiền.

"Người đó nói có xem thấy tôi ở trên mạng, rất thương, ngỏ ý muốn chở tôi đến nhà cho tôi biết đường để sáng hôm sau giao bánh cho họ. Nghe vậy tôi mừng lắm, gửi hàng bánh cho người quen trông giúp rồi đi theo cậu thanh niên đó.

Nhưng nào ngờ người này chở tôi đi rất lâu rồi bỏ tôi xuống một trung tâm thương mại, nói nhiều thứ khiến tôi tự nguyện đưa hết cả tiền", bà Hường rơm rớm nước mắt kể.

Mẹ già mỗi ngày đi 70km lên TPHCM bán bánh tét nuôi gia đình - 4

Ăn vội hộp cơm khi đã quá giờ trưa, bà Hường thở dài với cảnh bao năm chạy ăn từng bữa (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngày hôm đó, bà Hường chờ mãi mà không thấy cậu thanh niên quay lại, khi trong túi không còn đồng nào. Bật khóc giữa thành phố, bà van nài những người chạy xe ôm chở bà quay về điểm bán, rồi vay mượn người quen trả tiền xe.

"Ngày đó không bán được đồng nào mà tôi còn bị lừa mất mấy triệu đồng trong túi. Tôi không dám về nhà vì sợ gia đình sẽ thất vọng, cũng không có tiền đi chợ mua thức ăn", bà Hường bộc bạch.

Thấy bà bật khóc giữa đường, người dân xung quanh đến hỏi han, quyên góp tặng tiền để bà Hường có thể đi xe về.

"Những lần như vậy, tôi buồn, sợ thành phố lắm, vì cảm thấy lòng tin bị lợi dụng, may cũng thấy được an ủi phần nào khi được người dân quan tâm, giúp đỡ", bà Hường nói về động lực để tiếp tục cuộc sống mưu sinh của mình.

Trước đây, vì gia cảnh khó khăn, bà Hường phải nghỉ học sớm để phụ bố mẹ kiếm tiền nuôi gia đình.

"Nghỉ học tôi buồn lắm, vì vốn luôn mơ cảnh được mặc áo dài khi lên cấp ba. Hoàn cảnh không cho phép được sống theo mong ước, tôi đành nghỉ học để lo chén cơm mưu sinh cùng gia đình. Ngày đó khổ lắm, ăn khoai trừ cơm là chuyện bình thường", bà Hường trải lòng.

Mẹ già mỗi ngày đi 70km lên TPHCM bán bánh tét nuôi gia đình - 5

Chia sẻ về gia cảnh, nhắc lại những ngày tuổi thơ khốn khó, bà Hường lại chảy nước mắt (Ảnh: Nguyễn Vy).

Lớn lên, bà lập gia đình, an phận ở quê nhà. Cuộc sống vẫn không khá giả hơn mấy, bà buôn gánh, bán bưng, làm đủ thứ nghề để nuôi con.

Bánh trái ở quê không bán được nhiều, bà thử lên TPHCM bán hàng. Thời điểm đó, thành phố lớn ít nơi bán món quà bánh quê, vốn quen thuộc với bao người nên khách qua lại đường thích thú lắm. Được khách ghé qua liên tục, bà Hường vui không tả xiết.

Vậy là người phụ nữ quê khắc khổ đã có hơn 20 năm mưu sinh trên đường phố, tóc đã bạc màu mưa nắng, bụi đường. 20 năm, từ người phụ nữ sức vóc, giờ đi theo gánh hàng với bà Hường luôn là túi thuốc to, để xoa dịu chứng đau nhức vì hành trình 70km mỗi ngày.

"Tuổi của tôi, có người đã an hưởng cuộc sống bên con cháu, cũng có người cũng vẫn chật vật kiếm sống giống mình. Có lẽ số phận đã định vậy, phải học cách chấp nhận và tìm cách vươn lên. Tôi ước sẽ có một ngày gia đình đủ đầy, một ngày có thể đặt gánh hàng xuống, nghỉ ngơi", bà Hường bộc bạch.