Lý giải sao với chuyện án mạng vì "nhìn đểu", trẻ nhỏ dễ dàng dùng bạo lực?

Hoài Nam

(Dân trí) - "Khi con còn nhỏ, tôi rất sợ để con ở các khu vui chơi. Tôi quan sát, cố lý giải vì sao trẻ em rất dễ dàng có những hành động bạo lực, làm tổn thương bạn cùng chơi".

Bắt nạt và bạo lực đối với trẻ em là chủ đề được chia sẻ tại "Cà phê thứ Bảy" ở TPHCM, nơi diễn ra các buổi trao đổi về giáo dục và gia đình.

Lý giải sao với chuyện án mạng vì nhìn đểu, trẻ nhỏ dễ dàng dùng bạo lực? - 1

Các khách mời chia sẻ tại chương trình Cà phê thứ Bảy (Ảnh: Hoài Nam).

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Tomato Education chia sẻ chính trải nghiệm của bản thân về nỗi sợ phải để con ở các sân chơi, các khu vui chơi khi còn nhỏ.

Bà quan sát và băn khoăn khi nhiều trẻ tại ở sân chơi rất dễ dàng có những hành động bạo lực, tổn thương đến bạn. Đó có thể là hình ảnh ở cầu trượt, đứa trẻ phía sau xô đứa trẻ phía trước... 

Và không chỉ trẻ nhỏ với trẻ nhỏ, không khó để thấy chính người lớn cũng dễ dàng có những hành vi vô tình gây bạo lực với trẻ nhỏ. Tại nhiều khu vui chơi hiện nay đều treo tấm biển: "Cấm mọi hành vi bạo lực trẻ em". 

Bà Phương chia sẻ, thời gian ở châu Âu bà thấy trẻ nhỏ được "thả" cho chơi thoái mái ở công viên bởi các bé đều được sớm dạy bảo về sự kiên nhẫn, chờ đợi khi nhu cầu của mình chưa được đáp ứng. 

Khi chưa được trang bị phổ cập thói quen, ý thức đó, các sinh hoạt trong cộng đồng dễ dẫn đến bùng nổ khi có mâu thuẫn, vấn đề phát sinh, mỗi người thường ít kiềm chế, nhanh chóng tìm đến bạo lực hoặc lạm quyền, dùng tiền để giải quyết vấn đề. Người ta dùng bạo lực khi to khỏe hơn, có uy lực chuyên môn hơn, có quyền uy hơn người khác. Đơn cử như việc bố mẹ dùng quyền áp đặt lên con, thầy cô giáo áp đặt lên đứa trẻ... 

"Vấn nạn bắt nạt học đường thì ở đâu cũng có nhưng có thể thấy đặc trưng ở Việt Nam, chỉ cần một chuyện nhỏ xíu cũng có thể làm bùng nổ những căng thẳng" - vị chuyên gia giáo dục so sánh, phân tích

Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhiều người hiện thiếu hụt các kỹ năng nền tảng, cơ bản trong cuộc sống. Thực tế, khi một người có nhu cầu nào đó thì người khác cũng có. Kỹ năng lắng nghe nhu cầu của nhau, xác định mình mong đợi điều gì, người khác mong đợi điều gì... để tìm cách hóa giải mâu thuẫn cần được trang bị, học tập với mỗi người.

Nhiều người rõ ràng không biết cách lựa chọn những phương thức phù hợp trong trường hợp nhu cầu của mình mâu thuẫn với nhu cầu của người khác. Con đường người ta dễ thấy là bạo lực và sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. 

Cuộc sống hằng ngày, không phải là cá biệt, không ít sự việc xuất phát từ các mâu thuẫn nhỏ, từ chuyện đụng xe, cãi vã hay chỉ vì một ánh mắt bị cho là "nhìn đểu"... cũng có thể làm phát sinh vụ án mạng.

Vấn nạn bạo lực đối trẻ em, theo đó, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Nhiều đứa trẻ mất mạng vì bạo lực có thể xảy ra từ trong gia đình, nhà trường. 

Bà Bùi Trân Phượng, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen chia sẻ, trong lịch sử chung của nhân loại, bạo lực cũng từng được lựa chọn, sử dụng rất dễ dàng. Trong khi nghịch lý là một cuộc chiến tranh chỉ nổ ra một năm cũng kéo theo bao nhiêu đau thương, đổ vỡ, tàn phá bao nhiêu công trình văn hóa - những thứ được xây lên bởi rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết. 

Ở Việt Nam, một yếu tố đặc trưng tác động đến tính cách, thói quen ứng xử là từ tác động cộng hưởng của hậu quả chiến tranh hàng chục năm, chưa kể lịch sử phải liên tục đấu tranh chống ngoại xâm hàng trăm, hàng ngàn năm trước. 

"Chúng ta có thể đếm số người bị chết, số máy bay bị phá hủy, số hố bom rồi lấp và xây dựng lại. Nhưng hệ lụy của chiến tranh về mặt tinh thần, những vết thương sâu sắc về mặt tinh thần do bạo lực trong chiến tranh thì rất khó để nhận diện, giải quyết. Một nhà giáo dục rất nổi tiếng từng kể, ngày bé, ba chị đi bộ đội vài năm trở về, sau đó ông trở thành con người có thói quen giải quyết mọi việc bằng bạo lực. Ông đưa cả bạo lực vào gia đình, cuộc sống và vợ con trở thành nạn nhân", bà Bùi Trân Phượng chia sẻ. 

Lý giải sao với chuyện án mạng vì nhìn đểu, trẻ nhỏ dễ dàng dùng bạo lực? - 2

Trẻ em vui chơi ở TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Khắc phục những vấn đề để lại đó cần bắt đầu bằng giáo dục, từ niềm tin vào quyền năng của con người. Theo nữ chuyên gia, con người có khả năng chữa lành kỳ diệu, không có giải pháp bên ngoài nào hiệu quả bằng việc nhận thức tự thân của mỗi người.  

Đối với con trẻ, bà Bùi Trân Phượng nhấn mạnh, đứa trẻ là một con người, có quyền được tôn trọng, được tạo điều kiện bình thường để phát triển. Trong môi trường gia đình, mỗi phụ huynh phải nhớ điều này để tránh những phản ứng bộc phát mang tính cảm tính. 

Từ sự nhìn nhận đó, trẻ cần được dạy trước khi bước vào môi trường tập thể về việc tôn trọng quy tắc cộng đồng cũng như cộng đồng có trách nhiệm không được vi phạm quyền tự do cá nhân, tự do của mình không được làm tổn hại, xâm hại đến tự do của người khác.