Lương hơn 5 triệu đồng/tháng, nam công nhân chưa dám nghĩ đến việc lấy vợ
(Dân trí) - Cha bệnh nặng mất khả năng lao động, mẹ làm tạp vụ lương "3 cọc 3 đồng", em gái đang học, nam công nhân ở Bình Định chưa dám nghĩ đến việc lập gia đình vì đồng lương ít ỏi chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định, có gần 30 kiến nghị tập trung vào các vấn đề về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH, sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), các vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống, chế độ chính sách pháp luật liên quan đến người lao động…
Theo bà Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi, ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định), với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng, cuộc sống của 2 mẹ con bà rất vất vả.
"Tôi sống độc thân, ở vậy nuôi mẹ già. Tháng nào tăng ca liên tục lương cũng được 8 triệu đồng, bình quân khoảng hơn 5 triệu đồng. May mắn công ty ở gần nhà, không phải lo tiền thuê nhà trọ nên tiền lương 2 mẹ con chi tiêu tiết kiệm cũng đủ sống và cố gắng để dành mỗi tháng một ít để lo lúc về già", bà Hoa tâm sự.
Cũng là công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm tại nhà máy may ở huyện Phù Cát (Bình Định), anh Hoàng Huy (23 tuổi) cho biết, anh nhận mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng, nếu có hàng, tăng ca cũng được 6-7 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Anh Huy kể, cha anh từng là lao động chính, nhưng cách đây vài năm trong lúc đi làm thợ hồ bị ngã giàn giáo, chấn thương nặng, mất khả năng lao động.
Cha bệnh nặng, anh phải từ bỏ giấc mơ giảng đường, còn mẹ làm tạp vụ cùng công ty, lương tháng 3 triệu đồng, em gái đang học lớp 10.
"Với tiền lương này thì sống một mình và chi tiêu tiết kiệm cũng vừa đủ, nhưng có vợ con thì chắc chắn không ổn. Tôi cũng còn trẻ nên cũng chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tôi mong muốn tiền lương cải thiện để cùng mẹ lo chăm sóc cho cha và nuôi em gái ăn học", anh Huy nói.
Bà Lê Thị Lệ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở thị trấn Vĩnh Thạnh chia sẻ việc người lao động rút BHXH một lần có nhiều lý do như lương thấp không đủ sống, hoàn cảnh khó khăn, sợ bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng sớm. Bà Lệ kiến nghị Quốc hội cần quan tâm, có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo bà Hà Thụy Phúc Trầm, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh Bình Định, hiện nay tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp rất nhức nhối, làm ảnh hưởng đến quyền lợi đoàn viên, người lao động khi nghỉ việc.
Bà Trầm cho rằng khi Luật BHXH (sửa đổi) phải khắc phục tình trạng trên hoặc có những biện pháp xử lý nghiêm minh với những doanh nghiệp trốn đóng BHXH.
Cũng theo bà Trầm, hiện nay nhiều doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tốt thiểu vùng, mức lương này không đúng với thực tế tiền lương của người lao động được nhận. Do đó, khi nghỉ hưu, thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tiền lương, đời sống của người lao động.
Bà Trầm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những chính sách BHXH đảm bảo khi người lao động nghỉ hưu, hưởng các chế độ thất nghiệp, có mức lương đủ sống…
Ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, khẳng định BHXH là một trong những trụ cột của an sinh xã hội, để lo cho mỗi người dân, không phải bây giờ mà đến hết tuổi lao động.
Theo ông Toàn, vấn đề đặt ra là làm sao cho chính sách BHXH thật sự hấp dẫn và giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, Quốc hội đang bàn.