Luật sư bị đốt nhà giữa đêm vì hỗ trợ cháu bé bị hiếp dâm

Hoa Lê

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Luật sư Bùi Đình Ứng tại cuộc họp thường kỳ mạng lưới phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới quý III do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 28/9.

Luật sư bị đốt nhà giữa đêm vì hỗ trợ cháu bé bị hiếp dâm - 1

Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Ảnh: Hoa Lê).

Trình bày về công tác hỗ trợ đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, nạn nhân được hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân liên quan bảo vệ quyền lợi cho người bị bạo lực giới như: Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương, công an…

Bên cạnh đó là những người làm công việc bảo vệ quyền lợi như luật sư, trợ giúp viên pháp lý và tư vấn viên pháp lý. Đó đều là người có chuyên môn, được đào tạo, có kỹ năng, kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Luật sư Ứng cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người bị bạo lực giới. Thông thường, người bị bạo lực giới luôn có tâm lý e dè, thiếu cởi mở. Nếu người làm công tác bảo vệ không nắm bắt được toàn diện vụ việc khó đánh giá hết nguyên nhân, mức độ hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra…

Đặc biệt, người làm công tác này luôn bị đe dọa đến an toàn sức khỏe, tính mạng. "Nhiều trường hợp bảo vệ cho họ, nhưng không bảo vệ được cho mình", Luật sư Ứng nói.

Luật sư nhắc lại sự việc năm 2012, khi bảo vệ cho cháu bé ở quận Long Biên (Hà Nội) bị một ông già hiếp dâm, nhà luật sư bị đốt trong đêm.

Nhóm người đã dùng xăng tưới dọc cổng nhà, phía dưới đã để sẵn một xấp vải rồi châm lửa đốt, gây cháy dữ dội.

May mắn, ngay sau khi ngọn lửa bùng phát khoảng 3 phút, lực lượng tuần tra công an phường Ngọc Lâm đã kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy. Vì vậy, sự việc không gây thiệt hại về người.

Luật sư bị đốt nhà giữa đêm vì hỗ trợ cháu bé bị hiếp dâm - 2

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Hoa Lê).

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Ngô Diệu Linh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.

Năm 2023, Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10/11 tại Hà Nội.

Chủ đề của tháng hành động là "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Luật sư bị đốt nhà giữa đêm vì hỗ trợ cháu bé bị hiếp dâm - 3

Bà Trần Thị Bích Loan (Ảnh: Hoa Lê).

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, cho biết các hoạt động trong quý IV là tiếp tục tham gia góp ý, xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở trung ương và các địa phương.

Trong quý IV, Vụ Bình đẳng giới cũng dự định tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.