Lớp học vẽ không thanh âm ở TPHCM
(Dân trí) - Thương cảm cho số phận của những người câm, điếc, họa sĩ Văn Y đã lập lớp học hội họa, dùng cọ và màu sắc để thay thế âm thanh.
Vẽ âm thanh bằng màu sắc
Mỗi sáng thứ bảy, lớp học vẽ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TPHCM) lại tất bật "lên dây cót". Đây là lớp học "âm thanh hội họa" do họa sĩ Văn Y (72 tuổi) thành lập hơn 5 năm trước để dạy cho những người khuyết tật. Lớp học đã được Hội mỹ thuật TPHCM công nhận.
Học viên ở đây đều là những người câm, điếc, thiểu năng trí tuệ nên dù lớp luôn duy trì sĩ số hơn 20 học viên nhưng không khí lại vô cùng im ắng. Đến với lớp học này, các học viên được phát miễn phí dụng cụ vẽ như cọ, bảng màu,… để thoải mái, thỏa sức với đam mê hội họa.
Từ những nét vẽ nguệch ngoạc của học viên, họa sĩ Văn Y sẽ cầm tay, tận tình hướng dẫn, giúp họ sửa lại để có thể cho ra một tác phẩm nghệ thuật. Nhiều bức tranh của học viên đã được bán với giá hàng chục triệu đồng, học viên sẽ được hưởng 50% tiền bán tranh.
Tại đây, lớp học bắt đầu từ 8h30 tới 11h, sau đó thầy Văn Y sẽ cho học viên ăn uống, nghỉ trưa rồi học tiếp đến 16h. Mọi hoạt động, chi phí duy trì lớp xuất phát từ 25% lợi nhuận của việc bán tranh hoặc bằng chính tiền túi của người dạy.
Nói về lý do gồng gánh lớp học, thầy Văn Y chia sẻ, tất cả xuất phát từ tình thương các em có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm trước, khi là thành viên của CLB Mekong art, họa sĩ Văn Y từng trải qua nhiều cuộc triển lãm khác nhau cả trong và ngoài nước. Thế nhưng, thầy Y vẫn luôn đau đáu trong lòng về cái "hồn", ý nghĩa thật sự của hội họa.
Trong một lần chứng kiến những đứa trẻ khuyết tật, bị câm điếc phải mưu sinh bằng nghề bán vé số, ăn xin lề đường, thương các em vất vả, không tìm thấy được ánh sáng cho cuộc đời, thầy Y liền đem về, ân cần dạy vẽ.
"Lớp học hoàn toàn miễn phí, cũng hầu như không có nguồn tài trợ nào. Có những lúc quá khó khăn, tôi phải lên chùa xin cơm cho các con ăn. Nhiều lúc từng thoáng nghĩ tới chuyện bỏ cuộc nhưng nhớ lại hình ảnh các con phải đi ăn xin, tôi lại tự dặn mình phải cố gắng nhiều hơn", họa sĩ Văn Y bộc bạch.
Thời gian đầu, vì không thể giao tiếp, cả thầy và trò cứ ú ớ, "khua chân múa tay" để hiểu nhau. Không những vậy, thầy Y cho biết, bản tính người câm, điếc thường rất dễ tức giận, bộc phát thể hiện vì sự ức chế lâu ngày không thể nói ra. Vì vậy, người dạy phải thực sự kiên nhẫn.
Đến nay, các học viên thay đổi hoàn toàn, trở nên vui vẻ và hòa nhập hơn. Hễ có khách đến tham quan, ai nấy đều tươi cười, ánh mắt đầy hào hứng giới thiệu về tác phẩm của mình. Ở lớp, người nhỏ nhất là 16 tuổi, lớn nhất có cả các cụ bà tuổi đã 70.
"Vài học viên đã lớn tuổi không còn lao động nữa nên xin ở lại học, luyện vẽ để giải tỏa tinh thần. Nhiều người ở lại quá nên lớp chật ních, nhiều khi người học phải ngồi tràn ra đường. May mắn, lớp học của chúng tôi được hàng xóm thương tình, cảm thông", thầy Y chia sẻ.
Không chỉ có niềm vui, các học viên còn có được công việc chân chính, càng có thêm hi vọng trong cuộc sống. Điển hình, ở lớp có anh Trần Minh Hiếu (57 tuổi, ngụ tại quận 6) có gia cảnh vô cùng khó khăn. Anh bị câm, điếc bẩm sinh, phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề để nuôi người mẹ già bị liệt.
Không có hướng đi đúng, anh Hiếu cứ phải chật vật kiếm từng đồng mỗi ngày. Kể từ khi tham gia lớp hội họa, anh trở nên vui vẻ, cởi mở hơn. Đi chiếc xe Wave "cà tàng" đã cũ, anh Hiếu hầu như chưa bỏ bất kỳ buổi học nào ở lớp. Vì anh tin, chỉ có màu sắc mới có thể giúp anh nói ra những ước mơ trong mình.
"Các con tuy câm, điếc vẫn có thể ngắm nhìn cuộc đời"
Được biết, lợi nhuận từ việc bán tranh sẽ được trích ra 25% để ủng hộ cho các quỹ vì người nghèo. Lúc đầu, các học viên tỏ ra bất ngờ và phản đối vì cho rằng bản thân cũng là người khuyết tật, chưa hiểu vì sao phải giúp đỡ cho những người khác.
Lúc này, họa sĩ Văn Y kiên trì giải thích: "Các con tuy câm, điếc nhưng vẫn có thể nhìn thấy cuộc sống này đẹp đẽ ra sao, còn có đủ tay chân để chạy nhảy, cầm nắm. Thế nhưng, có những người thậm chí đến những việc đó cũng không làm được. Vậy nên cuộc sống rõ ràng còn những người khó khăn hơn nữa mà chúng ta phải giúp đỡ".
Từ đó, cả lớp học đã đồng tình, mở được không ít triển lãm vì người nghèo, bán được rất nhiều bức tranh và trích hàng trăm triệu đồng để ủng hộ các hoạt động đó. Từ chỗ khó chịu, giờ chính các học viên lại hào hứng đóng góp và thường hỏi han, thúc giục thầy Y khi nào thì đi từ thiện nữa.
Mong ước lớn nhất của họa sĩ Văn Y chính là tìm được một nơi rộng hơn, để có thể thu nhận nhiều người khuyết tật đến học. Ông luôn trăn trở về không ít lần phải buông tay, bỏ qua nhiều người khuyết tật có nguyện vọng tham gia lớp, bởi không có đủ kinh phí và không gian duy trì. Lớp học giờ đây chỉ có thể tổ chức một ngày mỗi tuần, trong căn phòng 20m2 mà thầy Y phải thuê hàng tháng.
"Nếu có điều kiện, các con sẽ được học nhiều buổi trong tuần, tham gia nhiều môn học liên quan đến điêu khắc để phát huy tài năng hội họa của mình", người họa sĩ tâm sự.
Chật vật là thế nhưng các học viên rất yêu thương nhau và dành tình cảm ấm áp cho những người xung quanh. Trong một lần đi thăm trại phong ở Di Linh (Lâm Đồng), các em đã mạnh dạn nắm tay các bệnh nhân để chia sẻ, trao quà, khác hẳn biểu hiện nhút nhát, thu mình thường ngày.
Sắp tới, lớp học "âm thanh hội họa" sẽ tiếp tục mở một triển lãm, bán hơn 120 bức tranh do các họa sĩ khuyết tật tạo nên, nhằm ủng hộ số tiền cho các em mồ côi vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không những thế, vừa qua, các học viên vừa được Đại Sứ Quán Ấn Độ gửi lời mời tham gia cuộc thi vẽ tranh "Nghệ thuật thời corona". Trong cuộc thi vẽ này, lớp học có 2 bạn được vào vòng trong của cuộc thi, dự kiến trong tháng 11 sẽ sang Ấn Độ tham gia triển lãm tranh theo lời mời từ Đại sứ quán.