Lớp học dạy lương thiện của "ngoại"... dưng
(Dân trí) - Gần 10 năm qua, tối nào những đứa trẻ gầy nhom, con của công nhân, gia đình nghèo ở TP Thủ Đức, TPHCM cũng cắp sách, lọc cọc đạp xe tới lớp học tình thương của bà Trần Thị Thanh Thủy để học chữ, mong nên người.
Sáng nhặt ve chai, tối tới học với "ngoại"
Đúng 16h30, tiếng nói cười rộn rã lại vang lên tại lớp học tình thương của bà Trần Thị Thanh Thủy (66 tuổi) ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TPHCM.
Lớp học duy trì đến nay đã hơn 9 năm. Những đứa trẻ từ 8 tới 17 tuổi, ríu rít gọi bà Thủy là "ngoại". Học sinh ở đây đa phần là con của những hộ gia đình nhập cư, thu nhập thấp. Chúng không thể đến trường, phải sống lang thang nên được bà Thủy cưu mang, đem về lớp tận tình cầm tay dạy cho con chữ.
"Đâu phải dạy là các con chịu học. Phải năn nỉ, nhỏ nhẹ giải thích rồi kể chuyện, tổ chức múa hát, văn nghệ mỗi ngày. Trẻ con nên ham chơi, mình tận tình thì các con từ từ cũng hiểu được và mê đi học hơn", bà Thủy bộc bạch.
Theo bà Thủy, lớp hoạt động từ 16h30 đến 18h hằng ngày. Trong đó, học sinh chưa biết đọc, viết sẽ tham gia lớp vỡ lòng vào thứ Hai, Tư, Sáu, còn thứ Ba, Năm, Bảy dành cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 10.
Trước khi vào học, mỗi em đều được phát một hộp sữa, xúc xích và bánh kẹo để lót dạ. Nhiều lúc, thấy đôi dép của học sinh đã mòn, bà Thủy lại bỏ tiền túi đưa để các em tự đi mua theo sở thích.
"Ở đây không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho các em hiểu cách đối nhân xử thế, sống sao cho thành người lương thiện. Tôi nghĩ việc đó không chỉ giúp riêng các em mà con giúp cho một hộ gia đình có tương lai hơn", bà Thủy mong muốn.
Những bé có học lực tốt, bà Thủy xin học bổng ở các trường cấp I, cấp II, cấp III trên địa bàn phường để các em tiếp tục học văn hóa. Tính đến nay, đã có 30 em được nhận vào trường công lập học miễn phí. Em nào nhà xa không thể đến lớp, bà xin cho xe đạp để chủ động đi học.
Một số em khi đã đủ tuổi lao động, bà Thủy cũng sắp xếp cho đi học nghề rồi xin việc làm để các em có thể kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân. Những đứa trẻ đó, giờ đây đã trưởng thành, thỉnh thoảng vẫn quay lại hỏi thăm, ủng hộ vài trăm nghìn duy trì lớp.
Em Nguyễn Trần Mai Tuyết (8 tuổi, ngụ tại quận 2) nắn nót viết từng chữ "Ơn nghĩa sinh thành" vừa được học vào vở. Trên gương mặt rám nắng, đen giòn, đôi mắt Tuyết ánh lên niềm vui vì được "ngoại" Thủy gieo từng con chữ.
Tuyết là đứa trẻ nhỏ tuổi nhất trong 53 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Nhà Tuyết rất nghèo, ba mẹ làm nghề nhặt ve chai chỉ vừa đủ cơm ngày 3 bữa cho 6 miệng ăn. Thế nên em gầy nhom, có phần nhút nhát.
Tuy vậy, Tuyết ham học lắm. Hầu như em chưa bỏ buổi dạy nào của "ngoại" Thủy vì sợ "ngoại" buồn, sợ bạn quên mặt. Ban ngày, Tuyết theo chân phụ ba mẹ nhặt ve chai, móc sắt đem bán kiếm tiền. Tối đến, em lại quay về lớp học.
Để xin cho Tuyết đi học, bà Thủy phải chạy ngược, chạy xuôi, tìm chỗ may cho em bộ đồng phục vừa vặn nhất. Bà Thủy còn tìm mua chiếc xe máy cho ba mẹ Tuyết đi làm cho đỡ cực. Vì gia đình em không có nhà, bà và các mạnh thường quân liền xin một chủ vườn cho dựng tạm lều để ở, rồi giấy tờ tùy thân, tạm trú sẽ sắp xếp lo sau.
Không chỉ Tuyết, 53 em còn lại cũng vì ước mơ có cuộc sống tốt hơn mà gắn bó với quyển vở, cuốn sách được bà Thủy tặng. Các em đều là con của những người dân nhập cư, làm nghề xe ôm, bán hàng rong hay nhặt ve chai, bán vé số kiếm ba cọc ba đồng. Từ khi học ở đây, tính tình các em thay đổi hẳn, từ nhút nhát, nghịch ngầm trở nên ngoan ngoãn, lễ phép, luôn "thưa ngoại con về" khi tan lớp.
Thương những mảnh đời
Năm 1973, bà Thủy từ Vĩnh Long lên TPHCM theo học sư phạm thực hành nhưng chưa kịp đi gieo chữ thì tai họa ập tới. Chân phải bị liệt khiến bà phải bỏ dở ước mơ làm cô giáo.
Mãi đến khi lập gia đình, bà Thủy chuyển nhà đến phường Bình Trưng Đông sinh sống và được bầu làm Phó trưởng ban điều hành khu phố bởi tính cách dễ gần, khéo léo. Từ đó, bà Thủy có cơ hội tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, hiểu rõ hơn về cái nghèo thật sự ở đây là như thế nào.
"Đây là khu có nhiều nghĩa trang, hình thành từ trước năm 1975. Hầu hết những hộ dân sống tại đây rất khó khăn, con cái không được học hành đầy đủ vì phải cùng ba mẹ lao động, mưu sinh. Trước đây, tôi từng tận mắt nhìn thấy các con phải lấy đồ cúng, trái cây ở nghĩa trang để ăn, rất xót xa. Không được giáo dục nên trẻ ở đây rất dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội", bà Thủy kể.
Từng có ước mơ làm giáo viên, lại thêm sự đốc thúc từ tình yêu với trẻ nhỏ, bà Thủy đã tìm đến từng hộ gia đình, thuyết phục cho các em đi học. Đầu tiên có 5 - 6 em đến, bà Thủy tự tay cắt tóc, tắm rửa rồi bỏ tiền túi mua thức ăn cho các em. Từ kỹ năng sư phạm, bà Thủy quyết định dạy học cho chúng.
Dần về sau, có nhiều người mong con mình được biết mặt chữ nên đem con đến gửi cho bà Thủy. Từ 10 học sinh năm 2013, đến nay, lớp học thường xuyên có 30 - 40 em khiến bà phải trao đổi với địa phương, cùng các thành viên trong ban điều hành thành lập bếp ăn và lớp học tình thương ngay tại trụ sở. Không ít sinh viên ở các trường trên địa bàn, cũng chủ động tìm đến làm tình nguyện viên dạy các em nhỏ.
Cảm nhận được tình yêu thương của "ngoại", cứ đến ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam hay ngày Nhà giáo Việt Nam, các em đều tự tay vẽ thiệp, trang trí lớp học để tặng bà Thủy và các tình nguyện viên.
"Chúng con không có tiền nên nhặt được gì thì trang trí lớp học, hái hoa tặng tôi", bà Thủy xúc động.
Thương các con, "ngoại" Thủy nhiều đêm cũng thức trắng vì trăn trở không biết làm sao mở rộng vòng tay, ôm được hết các em vào lòng. Bà Thủy kể, có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương tìm đến giúp nhưng vì quy mô lớp chưa đủ lớn, bà đành buông tay.
"Nhớ nhất là trường hợp của một gia đình, vì nghèo quá nên họ phải đi làm ăn xa. Hai bé học ở đây cũng phải đi theo, nhưng các con cứ đòi ở lại với ngoại. Tuy nhiên lớp lại không có đủ khả năng chăm nuôi cho các em. Đến giờ, thỉnh thoảng 2 đứa nhỏ vẫn gọi về cho tôi, cười nói rồi hẹn ngày gặp lại", bà Thủy kể, giọng đượm buồn.
Bên cạnh đó, lớp phần lớn là tình nguyện viên đến dạy, phải có sự hướng dẫn. Bà Thủy hi vọng lớp sẽ có được giáo viên chuyên môn kèm các em khi bà không còn đủ sức nữa.