Long An: Hơn 5.000 người phải cách ly đã nhận hỗ trợ gần 9 tỷ đồng
(Dân trí) - Đến nay, Long An đã có 4.627 người bán vé số, 5.325 người đang điều trị nhiễm Covid-19 và cách ly được hỗ trợ tiền ăn với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Về triển khai hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng, UBND tỉnh Long An đã chi hỗ trợ 5.325 người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1) với số tiền 8,9 tỷ đồng, hỗ trợ 12 trẻ em cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung số tiền 20 triệu đồng.
Toàn tỉnh đang tập trung phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Những ngày qua, lãnh đạo tỉnh đã đến từng huyện để hỗ trợ và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Tại huyện Cần Giuộc và Cần Đước, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Thanh Hải yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, đặc biệt nhóm lao động tự do. Các huyện, thành phố phải sớm hoàn thiện danh sách hỗ trợ và chi tiền ngay cho người dân.
"Tuyệt đối không để sót bất cứ đối tượng nào, phải chính xác, rõ ràng, minh bạch, không để chính sách bị trục lợi. Việc chi hỗ trợ phải nhanh vì nếu hỗ trợ chậm trễ mất đi ý nghĩa của chính sách", ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An cũng yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn phải báo cáo hàng ngày cho Sở LĐ-TB&XH đến khi hoàn thành hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68.
Dự kiến, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ khoảng 42.500 người dân gặp khó khăn vì Covid-19 với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 20.000 lao động tự do bị mất việc, ngưng việc sẽ được hỗ trợ trong tháng 7.
Nhóm lao động tự do sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của địa phương, không phải từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Đến chiều 16/7, theo cơ quan chức năng của tỉnh, 4.627 trong tổng số 10.490 người bán vé số trên địa bàn được hỗ trợ với số tiền 3,4 tỷ đồng (đạt 44%). Dự kiến, đến hết 18/7 các địa phương hoàn thành chi hỗ trợ 100% cho đối tượng người bán vé số lưu động.
Các đối tượng lao động tự do được xác định gồm: bán vé số, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bảo vệ; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô tô, xe xích lô chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe,…và các công việc thuộc lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo.