Lời ru buồn nơi đại ngàn Mường Lát
Mặc dù có hẳn một kế hoạch nhằm kéo giảm tảo hôn nhưng tình trạng này vẫn nhức nhối trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là người Mông ở huyện biên giới Mường Lát
Mường Lát là huyện vùng biên giới giáp Lào và xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nhắc đến nơi này, nhiều người sẽ nhớ ngay tới vùng đất hoang sơ hiện lên qua những vần thơ bi tráng trong bài thơ "Tây Tiến" oai hùng của nhà thơ Quang Dũng, sáng tác vào những năm kháng chiến chống Pháp.
13-14 tuổi đã làm vợ, làm mẹ
Ngày nay, huyện biên giới Mường Lát đã thay đổi rất nhiều, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Thế nhưng, nạn tảo hôn vẫn âm ỉ tồn tại từ năm này qua năm khác trên các rẻo cao, nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Mông.
Bản Ón của xã Tam Chung, cách huyện lỵ Mường Lát khoảng 25 km, giáp nước bạn Lào và huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Từ trung tâm xã, đường tới bản tuy không dài nhưng có tới 10 km khó đi với nhiều khúc cua "mướt mồ hôi". Sau nhiều giờ đi xe máy, vượt qua những đoạn đường nhão nhoẹt, trơn trượt, chúng tôi cũng tới được bản Ón.
Những ngày này mưa rả rích khiến bản Ón càng trở nên tĩnh lặng, buồn tê tái giữa đại ngàn xanh thẳm. Bản có 115 hộ dân sinh sống rải rác trên các triền núi, 100% là người Mông, cuộc sống vẫn phụ thuộc nhiều vào nghề làm nương rẫy. Đến với bản, không khó để gặp những bà mẹ trẻ đang địu con trên lưng ngồi trước hiên hay lấp ló trong các ngôi nhà. Thoạt nhìn, cứ tưởng chị đang bồng em thay bố mẹ vắng nhà, nhưng kỳ thự, đó là những bà mẹ "nhí" mới 15-16 tuổi, thậm chí 13-14 tuổi nhưng đã mang thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Cùng đi với trưởng bản Ón tới nhà vợ chồng Giàng A L. và Vàng Thị S. (ngụ khu Ón 2), chúng tôi mới biết cả 2 vợ chồng năm nay mới 16 tuổi. Năm 2020, L. và S. nên duyên vợ chồng. Hiện cặp vợ chồng nhí này đã có với nhau một đứa con hơn 2 tháng tuổi. Do lập gia đình khi chưa đủ tuổi nên vợ chồng Vàng A L. hiện chưa đăng ký kết hôn, đứa con vẫn chưa được khai sinh. Đáng nói, cặp vợ chồng tảo hôn này lại là con của ông Giàng A Chìa, hiện là phó trưởng bản Ón.
Thời điểm chúng tôi đến, Giàng A L. đi vắng, trong khi Vàng Thị S. đang giúp mẹ làm việc vặt trong nhà, trên lưng địu đứa trẻ đỏ hỏn đang ngủ li bì. Nhìn khuôn mặt trẻ thơ, ánh mắt hồn nhiên, đượm buồn của người mẹ trẻ mà thấy nhói lòng. S. nói quen chồng trong một lần anh ấy về thăm quê (nhà S. ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), rồi được hai bên gia đình đồng ý cho về ở với nhau.
"Hồi đó, em mới học xong lớp 9. Sau khi lập gia đình, chồng em ra thị trấn tìm việc. Còn em ở nhà trông con và giúp mẹ những việc vặt trong nhà thôi, chứ em chưa biết làm việc gì cả" - Vàng Thị S. líu ríu chia sẻ.
Bà Phàn Thị N., mẹ của Vàng Thị S., thừa nhận bản thân bà ngày trước lấy chồng cũng tảo hôn. Bởi thế, năm nay mới 38 tuổi nhưng bà đã có 4 cháu nội, 1 cháu ngoại, thậm chí có đứa cháu năm nay đã học lớp 3. "Đồng bào mình lâu nay vẫn vậy mà, chúng nó thích nhau, đến với nhau, mình cấm thế nào được. Nếu ngăn cấm quá lại sợ chúng nó làm chuyện dại dột, nên cũng phải chấp nhận thôi, dù biết cho con lập gia đình sớm là không đúng pháp luật" - bà N. nói.
Cách đấy không xa, cũng tại bản Ón, Giàng A D., Giàng A B., Giàng A T. cũng lập gia đình khi mới 16-17 tuổi. Có người lấy vợ cùng tuổi, có người vợ kém hơn chồng 2-3 tuổi. Hầu hết những trường hợp này, trưởng bản Giàng A Chống đều biết nhưng khi hỏi chuyện, ông cứ muốn tránh đi, bởi ông biết người dân ở đây còn nặng phong tục, khó có thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai.
"Từ năm 2016 đến nay, trong bản có khoảng 20 trường hợp tảo hôn. Riêng năm 2021 có 5 trường hợp. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền rất nhiều, thế nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn. Cái này một phần do bố mẹ cũng không quyết liệt, phần vì phong tục, phần vì các cháu khi bị cấm đoán thường nghĩ tới những chuyện dại dột. Cách đây 2 năm, tại khu Ón 3 có một trường hợp bị bố mẹ cấm không cho cưới nên cháu gái khi đó mới 15 tuổi đã vào rừng ăn lá ngón, lúc đưa tới bệnh viện thì đã không kịp cứu" - trưởng bản Giàng A Chống nêu thực trạng.
Nhiều hệ lụy
Để giảm thiểu nạn tảo hôn, năm 2015, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020".
Thời điểm này, theo thống kê (từ năm 2011 đến tháng 6-2015), đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hóa có tới 1.207 cặp tảo hôn; trong đó, hôn nhân cận huyết thống là 86 cặp. Hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đồng bào Mông là đông nhất.
Bà Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, cho biết kể từ khi đề án nói trên được triển khai, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được loại bỏ, song nạn tảo hôn vẫn còn. Theo báo cáo từ năm 2016 đến 2020, huyện Mường Lát có 111 cặp tảo hôn. Riêng năm 2016 là nhiều nhất, với 26 cặp. Thế nhưng, sang năm 2021, mới 9 tháng đầu năm, số cặp tảo hôn tại Mường Lát đã tăng "phi mã" lên 69 cặp.
"Số liệu tăng cao là do huyện chỉ đạo rà soát kỹ thực tế để có giải pháp căn cơ chứ không chạy theo thành tích như những năm trước. Qua rà soát, nạn tảo hôn tập trung ở lứa tuổi 16-17, đồng bào Mông chiếm đa số. Trên thực tế, con số này còn cao hơn nhiều, do những cặp vợ chồng tảo hôn thường giấu, không báo với chính quyền. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn nhưng gốc rễ là do đời sống còn nhiều khó khăn, giao thông chia cắt nên thông tin bên ngoài ít được tiếp cận, dẫn tới tư tưởng, suy nghĩ của đồng bào còn bị bó hẹp. Phong tục ma chay, cưới hỏi lạc hậu còn tồn tại và ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào, khó có thể xóa bỏ ngay được" - bà Huyên nói.
Cũng theo bà Huyên, tục bắt vợ của người Mông là một nét văn hóa độc đáo nhưng kéo theo nhiều hệ lụy, mà điển hình nhất là nạn tảo hôn. Ngày nay, hầu hết trẻ em người Mông đều được đến trường nhưng bị ảnh hưởng rất lớn từ công nghệ; các em dùng điện thoại kết bạn, yêu đương, trong khi bố mẹ không quán xuyến được. "Tảo hôn khiến tương lai của các em gặp nhiều khó khăn, đói nghèo, thất học… Từ đó, để lại nhiều hệ lụy không chỉ cho gia đình mà toàn xã hội" - bà Huyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết địa phương hiện có 38 bản người Mông, tập trung chủ yếu ở các xã Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung… Theo ông Bình, nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Mường Lát những năm qua đã giảm mạnh nhưng vẫn còn nhức nhối đối với đồng bào Mông.
"Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền rất nhiều, thậm chí UBND tỉnh còn có cả một đề án để kéo giảm nạn tảo hôn. Tuy nhiên, do tâm lý ngại va chạm, cả nể và việc xử lý về mặt pháp luật hầu như chưa thực hiện được, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nên tình trạng tảo hôn vẫn còn tái diễn" - ông Bình thẳng thắn.
Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân
Về giải pháp lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Bình, ngoài công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục tảo hôn thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
"Xóa bỏ hủ tục tảo hôn là cuộc chiến không phải ngày một ngày hai. Điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để thay đổi được tư duy, nhận thức của bà con, để họ có cái nhìn đúng đắn hơn về hôn nhân gia đình. Đó mới là bài toán làm thay đổi được cách nghĩ, cách làm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Tới đây, ngoài các giải pháp lâu nay đang thực hiện, huyện sẽ tiến hành một số biện pháp có tính răn đe như xử phạt hành chính, thậm chí sẽ truy tố nếu có yếu tố vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, nhằm từng bước kéo lùi, tiến tới chấm dứt hoàn toàn nạn tảo hôn ở Mường Lát" - ông Bình khẳng định.