Loạt "ông lớn" ở Bình Định chậm đóng bảo hiểm, hàng nghìn người ảnh hưởng
(Dân trí) - Theo danh sách công bố trên Website Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định, đến hết tháng 6, toàn tỉnh này có 379 đơn vị (3.508 lao động) còn chậm đóng gần 160 tỷ đồng các khoản bảo hiểm.
Ngày 1/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN tại 81/80 đơn vị sử dụng lao động, đạt 101,25% kế hoạch giao.
Qua thanh tra, kiểm tra, số lao động phải đóng BHXH, BHYT, BHTN là 751 người. Số lao động đã thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN theo kết luận thanh tra, kiểm tra là 667 người. Số tiền chậm đóng phải thu hồi hơn 5 tỷ đồng và đã thu hồi 4,5 tỷ đồng…
Ngoài ra, BHXH tỉnh đã thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 30 đơn vị sử dụng lao động, trong đó 15 đơn vị được thanh tra đột xuất với yêu cầu truy thu và cộng nối thời gian tham gia BHXH trên 6 tháng cho người lao động; 15 đơn vị còn lại có dấu hiệu chậm đóng.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 đơn vị vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Đáng chú ý, lần đầu tiên ngành bảo hiểm tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty TNHH L'AMOUR, vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT, tổng số tiền phạt gần 260 triệu đồng.
Đối với các đơn vị cố tình không chấp hành các quyết định xử phạt, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định đã ban hành 2 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Toàn Tâm, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đề Gi vì không tự nguyện chấp hành theo quyết định xử phạt năm 2023.
Qua đó, đã cưỡng chế khấu trừ từ tài khoản của 2 đơn vị với tổng số tiền hơn 287 triệu đồng.
Theo danh sách công bố trên Website BHXH tỉnh Bình Định, đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 379 đơn vị (3.508 lao động) còn chậm đóng gần 160 tỷ đồng các khoản BHXH, BHYT, BHTN…
Không ít doanh nghiệp nợ triền miên như: Công ty CP 504 (nợ 162 tháng, hơn 13 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng thương mại An Doanh Phát (131 tháng, 257 triệu đồng); Công ty CP Tư vấn đầu tư - xây dựng SPQD (123 tháng, 477 triệu đồng); Công ty TNHH Thanh Phát HQ (115 tháng, 720 triệu đồng)…
Đáng chú ý hơn cả là những tên tuổi lớn, với số nợ hàng chục tỷ đồng như: Công ty CP Hàng không Tre Việt có 1.044 lao động, nợ hơn 37 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng 47: 662 lao động, nợ hơn 32 tỷ đồng; Công ty Cổ phần FLC Quy Nhơn Golf và Resort: 451 lao động, nợ 25,8 tỷ đồng…
Ông Đặng Văn Lý, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định cho rằng, trong số các đơn vị nợ BHXH, có nhiều đơn vị giải thể, bỏ trốn, mất tích… nên hầu như họ không còn khả năng trả nợ. Đối với những đơn vị đang hoạt động, nhưng nguồn doanh thu giảm sút nên họ xin trả dần, tuy nhiên quy định của ngành BHXH thì không cho phép.
Đối với các "ông lớn" đang nợ các khoản bảo hiểm, ông Lý cho biết đã làm việc và các đơn vị cam kết từ nay đến 31/12, khi có nguồn kinh phí sẽ chuyển cho cơ quan BHXH.
"Riêng Công ty Cổ phần FLC Quy Nhơn Golf và Resort thì tiến độ hơi chậm, còn tiến độ của Hàng không Tre Việt, Công ty 47 đang có dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ nợ sẽ giảm dần vào các tháng cuối năm, đặc biệt là tháng cuối cùng của quý 4", ông Lý nói.