Lập đường dây nóng bảo vệ trẻ em đến từng thôn ấp
(Dân trí) - Năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện loạt hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Hàng nghìn người đã được tập huấn chăm sóc trẻ, nhiều phần quà được trao tới các em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo thống kê, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 350.000 trẻ em, chiếm hơn 1/5 dân số trong tỉnh. Những năm qua, ngành chức năng tỉnh này luôn quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt đối với trẻ khuyết tật; chú trọng công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay Sở đã cùng các ban ngành thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, bảo vệ trẻ em và quyên góp các nguồn lực trợ giúp. Công tác trang bị kiến thức để trẻ phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, nhất là nguy cơ từ môi trường mạng được đề cao.
Sở đã phối hợp với các báo, đài thực hiện 17 chuyên mục, chuyên trang vì trẻ em và tổ chức hơn 200 hoạt động tập huấn các chuyên đề về công tác trẻ em cho hơn 7.000 người.
Năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã lập mô hình đường dây nóng chống bạo lực gia đình, tư vấn pháp luật cho phụ nữ và trẻ em đến các xóm ấp, lập các câu lạc bộ cộng đồng với chủ đề bảo vệ trẻ em, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan, đơn vị đã can thiệp nhanh, hỗ trợ khẩn cấp khi trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ tổn thương do hoàn cảnh khó khăn dẫn đến phải nghỉ học.
Trong năm qua, trên địa bàn phát hiện 35 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 33 trẻ bị xâm hại tình dục. 100% nạn nhân của các vụ xâm hại đã được hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi.
Từ đầu năm đến nay, các văn phòng tư vấn bảo vệ trẻ em, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận, can thiệp, tư vấn cho hơn 1.600 trẻ. Khoảng 7.000 trẻ được tài trợ học bơi lội.
Hơn 2.200 lượt trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được hỗ trợ. Trong đó 1.100 trẻ bị ảnh hưởng do Covid-19 và 116 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ đột xuất mỗi em 1 triệu đồng.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được hơn 7,5 tỷ đồng để tặng quà, xe đạp, học bổng cho gần 8.150 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Năm qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, tổ chức tập huấn cho gần 6.400 cán bộ, giáo viên kiến thức về trẻ em và bình đẳng giới. Ngành cũng tập huấn cho 3.400 người là cha mẹ, người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ.
Cũng trong năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức gần 850 hội thi các chủ đề về trẻ em. Hơn 4.700 trẻ em tỉnh này được tham dự lớp tập huấn các kỹ năng.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp nhận định, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn luôn được các ngành, các cấp và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ở một số khu vực nông thôn, vùng biên giới, nhận thức của người dân còn hạn chế nên đã xảy ra những vụ việc trẻ em bị bạo lực hoặc bị xâm hại.
Vị lãnh đạo cho biết, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch hành động để bảo vệ trẻ em, hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em trong những năm tới.
Cả xã hội chung tay
Không đứng ngoài cuộc, trong năm qua, Công an tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện hơn 1.000 hoạt động tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, bạo lực gia đình tại các cụm, tuyến dân cư, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Hơn 10.000 người đã được tiếp cận thông tin, quy định pháp luật qua các hoạt động này.
Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Đồng Tháp đã đăng tải trên 1.000 tin, bài tuyên truyền về phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, ma túy, bạo lực học đường, các hành vi bạo lực gia đình.
Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với các vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tỉnh dục, Công an tỉnh Đồng Tháp quyết tâm điều tra nhanh, xử lý nghiêm để răn đe. Ông Quốc cũng cho biết thêm, số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm qua các năm.
Cuối tháng 10 vừa qua, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tổ chức Tọa đàm chủ đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tọa đàm tiếp tục quán triệt các nội dung trong Chỉ thị số 28 ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại đây, bà Lê Thị Kim Loan, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp đã nhấn mạnh, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bà Loan đề nghị các cơ quan hữu quan chú trọng kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; huy động hiệu quả các nguồn lực chăm sóc trẻ em; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em.