1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lao động trẻ em nông thôn: Cần giải pháp cấp bách, toàn diện

An Linh

(Dân trí) - Tỷ lệ lao động trẻ em nông thôn, làng nghề, trẻ em miền núi luôn đứng đầu trong nhóm hiện nay. Báo cáo của các tổ chức quốc tế đánh giá, tỷ lệ lao động trẻ em nông thôn đang đứng hàng đầu.

Cụ thể, theo báo cáo "Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước" Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) được đưa ra cho thấy: 70% lao động trẻ em trên thế giới hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ); Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5-11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12-14 là lao động trẻ em và không được đi học; Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi.

Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn; Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).

Lao động trẻ em nông thôn: Cần giải pháp cấp bách, toàn diện - 1

Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Cục Trẻ em đang phối hợp với các cấp các ngành, đoàn thể, để triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất về các chính sách trong giảm thiểu và phòng ngừa lao động trẻ em. Đặc biệt là huy động các nguồn lực, phối hợp với các tổ chức nhằm hỗ trợ cho các cơ sở để cải thiện môi trường lao động, để khi trẻ em đủ điều kiện tham gia lao động sẽ không làm việc trong môi trường nguy hiểm.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp với mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Những khó khăn về kinh tế khiến trẻ em phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế nhằm giúp đỡ gia đình vượt qua thách thức trong cuộc sống. Chính vì vậy, trong công tác ngăn chặn, giảm thiểu lao động trẻ em ở vùng nông thôn ĐBSCL cần chú trọng đến vấn đề này.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định luật pháp, chính sách, chiến lược về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; các chính sách bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em.

Ông Đàm cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã cam kết nhiều vấn đề về lao động trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp, chính sách đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Luật trẻ em 2016 tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em cho cả giai đoạn 2016-2020. Việc phòng ngừa lao động trẻ em, trong đó lao động trẻ em trong thiên tai, biến đổi khí hậu đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cấp các ngành, các tổ chức xã hội.

Rõ ràng, sinh kế, nhận thức là căn nguyên dẫn đến vấn đề lao động trẻ em. Vì vậy, ngăn chặn, xóa bỏ lao động trẻ em phải gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, trong đó chú trọng tạo việc làm, duy trì thị trường lao động bền vững để các bậc cha mẹ có thu nhập ổn định, không bắt con lao động sớm.

Lao động trẻ em nông thôn: Cần giải pháp cấp bách, toàn diện - 2

Nhiều công việc lao động với trẻ em cũng nặng nhọc, độc hại không kém gì người lớn.


Với các gia đình có nguy cơ hoặc đã có lao động trẻ em, các ngành các cấp cần có chính sách hỗ trợ kịp thời như cho vay vốn, dạy nghề... tạo "cần câu" để họ tự vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Muốn thay đổi nhận thức của người dân, phải bắt đầu từ mỗi gia đình, phụ huynh, chủ sử dụng lao động.

Trẻ em là tương lai của xã hội. Những thế hệ trẻ thơ được quan tâm chăm sóc toàn diện cả thể chất và trí tuệ sẽ là yếu tố bảo đảm tốt nhất cho sự phát triển của đất nước mai sau. Chính vì vậy, để tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể cũng như các tổ chức xã hội.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Chúng ta phải thực sự đẩy mạnh việc vận dụng các giải pháp đã nêu đã bàn trên thực tế nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Hãy hành động vì mục tiêu: "Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ nuôi dưỡng ước mơ".

Lao động trẻ em nông thôn: Cần giải pháp cấp bách, toàn diện - 3

Muốn thay đổi nhận thức của người dân, phải bắt đầu từ mỗi gia đình, phụ huynh, chủ sử dụng lao động.

Giải thích về tỷ lệ lao động trẻ em nông thôn cao, ông Nam cho rằng: Sở dĩ chỉ số về LĐTE trong khu vực nông nghiệp (nông - lâm- thủy sản) chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm hơn 60% LĐTE) bởi đây là khu vực khó kiểm soát và khó với tới. Đây là thực trạng chung của cả nước.

"Trong nghiên cứu cũng chỉ ra phần lớn nguyên nhân dẫn tới LĐTE lại đến từ vấn đề kinh tế và thu nhập. Do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu ở khu vực nông thôn, sinh kế chủ yếu ở nông nghiệp nên tất yếu LĐTE làm ở khu vực nông nghiệp. Do đó, việc tiếp tục thúc đẩy thành tựu của giảm nghèo cũng sẽ góp phần mang lại hiệu quả kép: Vừa giảm nghèo, vừa giảm thiểu tình trạng LĐTE trong thời gian tới", ông Nam cho hay.