Lao động miền Tây rời TPHCM: Về được quê nhà vừa mừng vừa lo!
(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lao động miền Tây "mắc kẹt" ở TPHCM thời gian qua đang tìm cách về quê khi thành phố nới lỏng. Những người đã về được cũng ngổn ngang nỗi lo toan mưu sinh.
Thời gian qua, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau đã tổ chức đón công dân từ TPHCM về quê, trong số đó có rất nhiều người lao động bị ngừng việc, không có thu nhập, không thể trụ được ở thành phố.
Theo nhiều lao động miền Tây, việc trở về quê có thể nói là bất đắc dĩ khi họ đã có nhiều năm sống, lao động có thu nhập ổn định ở TPHCM.
Hạnh phúc về được quê sinh con
Anh Trần Văn Hiếu (31 tuổi, ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vợ chồng anh lên TPHCM đi làm thuê đã mấy năm nay, có thu nhập tương đối so với ở quê.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ở TPHCM phức tạp, vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. Vợ anh lại đang mang thai, sắp sinh con. Ngày 11/9 vừa qua, vợ chồng anh được tỉnh tạo điều kiện đón về quê.
"Rất nhiều lao động như em ở TPHCM. Vợ chồng em được về quê thì may mắn lắm. Mừng vui nhất là vợ em đã sinh con mấy ngày rồi, dù gì sinh con được ở quê nhà, có gia đình, người thân cũng tốt hơn", anh Hiếu chia sẻ.
Trước tình hình dịch hiện còn phức tạp, anh Hiếu cho biết vẫn chưa có ý định trở lại TPHCM để làm. Anh nói, trước mắt lo cho sức khỏe vợ con ổn định rồi tìm việc gì làm tạm ở quê, sau đó tính tiếp.
"Nếu tình hình dịch ổn định thì có thể qua Tết nguyên đán tới đây em sẽ xem xét để lên lại TPHCM làm tiếp chứ ở quê cũng lo không biết làm gì", anh Hiếu bày tỏ.
Anh Thạch Nhựt Đăng (22 tuổi, ngụ tại tỉnh Cà Mau) cho biết anh đi làm thuê ở TPHCM đã khoảng 4 năm, thu nhập cũng khá ổn định. Khi dịch bùng phát, công việc ngừng lại, anh thất nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn. Giữa tháng 8 rồi, anh được tỉnh Cà Mau đón về quê.
"Được về quê thì mừng lắm vì có thể tránh được dịch, lại đỡ tốn kém nữa. Nhưng hơn một tháng ở quê, chỉ làm những việc lặt vặt, đi lưới cá kiếm sống, thu nhập bấp bênh, tôi cũng lo lắm", anh Đăng chia sẻ.
Anh Đăng rất mong dịch qua mau, ổn định để anh quay lại TPHCM làm tiếp vì lo ở địa phương không có công ăn việc làm.
Còn anh Nguyễn Chí Tâm (ngụ tại Cà Mau) là lao động ở tỉnh Long An, có vợ đang nuôi con dưới 36 tháng, cũng được đón về quê vào giữa tháng 8. Anh Tâm cho biết, mùa dịch bị thất nghiệp, về được quê nhà tâm trạng chung là mừng. Nhưng anh cũng nỗi lo không có việc làm phù hợp.
"Hai vợ chồng tôi làm công việc văn phòng đã quen, phía công ty cũng đã hoạt động lại nhưng bây giờ không biết sao để lên làm nữa. Còn ở quê nhà thì không có việc, không có thu nhập, trong khi nhiều thứ phải chi tiêu", anh Tâm chia sẻ.
Theo anh Tâm, hết dịch, anh sẽ quay lại chỗ cũ để làm tiếp. Còn trước mắt, địa phương có giới thiệu việc, nếu thấy phù hợp anh sẽ làm tạm để có thu nhập nuôi gia đình.
Trong khi đó, nhiều lao động còn kẹt các tỉnh Bình Dương, TPHCM… hiện rất muốn về quê ở luôn nhưng vẫn chưa về được.
Nguyễn Thị Điệp (31 tuổi, ngụ tại tỉnh Bạc Liêu) cho biết chị đang ở TPHCM, hiện thất nghiệp. Mấy tháng qua cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chị rất muốn về quê nhà rồi ở lại luôn.
"Bản thân tôi bị bệnh, giờ không trụ nổi ở TPHCM nữa, chỉ muốn về quê ở luôn. Về quê tìm việc gì đó phù hợp làm, thu nhập không cao nhưng ổn định là được", chị Điệp bày tỏ.
Triển khai nhiều sàn giao dịch việc làm hỗ trợ lao động
Trước tình hình dịch còn những diễn biến phức tạp, người lao động từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… về quê trong thời gian, có người rất muốn tìm việc làm tạm thời cũng như lâu dài để có thu nhập ở quê nhà, đảm bảo cuộc sống.
Nhiều người giải thích, đi làm thuê ở ngoài tỉnh với công việc đã quen như làm công nhân gỗ, công nhân may mặc, công nhân sản xuất đồ nhựa… nên không biết về quê sẽ làm gì phù hợp.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã đề nghị các địa phương rà soát số lao động mất việc ở ngoài tỉnh về quê để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Theo ông Ân, Sở cũng phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động triển khai sàn giao dịch việc làm về tận các địa phương. Qua sàn giao dịch việc làm, người lao động có thể tìm cho mình công việc phù hợp.
Còn ông Tăng Văn Tám, Trưởng phòng Lao động - Việc Làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, để hỗ trợ lao động thất nghiệp về quê, Sở đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm rà soát, nắm nhu cầu doanh nghiệp có tuyển dụng lao động.
Sau đó, các đơn vị của Sở thông tin về địa phương các ngành nghề nào cần tuyển, thu nhập, chế độ... ra sao. Từ đó, địa phương thông báo đến người lao động, thấy phù hợp thì họ có thể xin việc làm phù hợp ở quê nhà.