Làm việc 2 nơi thì đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như thế nào?
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự đã ký hợp đồng lao động với 1 đơn vị khác không biết đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc như thế nào cho người lao động.
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền TPHCM lần thứ 229, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thắc mắc về chế độ đóng BHXH cho lao động làm việc ở nhiều nơi.
Thực tế, các doanh nghiệp này thường tuyển dụng những chuyên gia có giao kết hợp đồng lao động ở nhiều doanh nghiệp, đơn vị khác nhau. Trong đó, có nhiều chuyên gia đã thực hiện đóng BHXH bắt buộc tại đơn vị công tác chính của họ.
Trả lời vấn đề này, đại diện BHXH TPHCM cho biết: Căn cứ Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đóng theo từng hợp đồng lao động.
Như vậy, trường hợp người lao động đã giao kết 2 hợp đồng lao động trở lên, đã tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị đầu tiên thì doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động thứ 2 trở đi chỉ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho họ.
Do đó, các khoản chế độ về ốm đau, thai sản, bệnh tật, trợ cấp thất nghiệp, BHXH 1 lần, hưu trí… sẽ được giải quyết tại đơn vị mà người lao động tham gia BHXH bắt buộc (đơn vị giao kết hợp đồng lao động đầu tiên). Riêng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra tại đơn vị nào thì giải quyết theo bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại đơn vị đó.
Với người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị giao kết hợp đồng lao động đầu tiên, họ phải chủ động thông báo cho các đơn vị khác có giao kết hợp đồng lao động với họ được biết việc này để thực hiện lập hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.