1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Làm sao để hưởng lương hưu ở mức cao?

Hoa Lê

(Dân trí) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu. Người lao động muốn hưởng lương hưu cao hơn thì tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Đề xuất căn cứ đóng bảo hiểm xã hội mới nhất

Về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp.

Cụ thể, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Làm sao để hưởng lương hưu ở mức cao? - 1

Vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Ảnh: BHXH VN).

Bên cạnh đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất và cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng cao nhất do Chính phủ công bố được áp dụng tại thời điểm đóng, trừ trường hợp quy định.

 Tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung để có lương hưu cao hơn

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo nguyên lý của bảo hiểm xã hội và thông lệ nhiều nước, căn cứ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ là tiền lương của người lao động.

Tiền lương khu vực doanh nghiệp được Bộ luật Lao động quy định chi tiết, trong đó xác định rõ tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiền lương khu vực công thực hiện chế độ tiền lương theo bảng lương do Nhà nước quy định, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Làm sao để hưởng lương hưu ở mức cao? - 2

Đề xuất mới nhất về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (Ảnh: BHXH VN).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, theo quy định hiện nay, nhất là đối với chế độ hưu trí, tử tuất của nước ta đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là tương đối "hào phóng".

Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động đang chỉ phải đóng có 22% mức lương vào Quỹ bảo hiểm xã hội, trong khi đó mức hưởng tối thiểu là 33,75% đối với lao động nam và 45% đối với lao động nữ, mức trần tối đa đều là 75%.

Việc chênh lệch đóng - hưởng càng nhiều thì khả năng cân đối quỹ sẽ là vấn đề lớn và cần phải được tính toán thận trọng.

Chính vì vậy, để hạn chế việc chênh lệch trong thụ hưởng cũng như bảo toàn lâu dài Quỹ thì dự thảo quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động có mong muốn được hưởng lương hưu với mức cao hơn thì có thể tham gia thêm bảo hiểm hưu trí bổ sung và có thể tham gia các hình thức bảo hiểm thương mại an sinh cho tuổi già.

Về quy định mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất và cao nhất, đóng thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng theo vùng thấp nhất hiện nay là khoảng 1,625 triệu/tháng (mức lương tối thiểu vùng IV hiện nay là 3,250 triệu/tháng) khá tương đồng so với mức đóng thấp nhất hiện hành đang thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Như vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã có những chỉnh lý về đề xuất căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương ứng với 36 triệu đồng.