1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lái xe công nghệ có thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Thanh Xuân

(Dân trí) - Nhiều ý kiến thắc mắc lái xe công nghệ có thuộc đối tượng mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hay không?

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Trao đổi về việc lái xe công nghệ có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Duy Cường cho biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chưa đưa nhóm tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nội dung này ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.

Lái xe công nghệ có thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc? - 1

Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về nhóm lao động này. (ảnh: Sơn Nguyễn)

Theo ông Cường, qua tổng hợp từ nhiều nước, lái xe công nghệ công nghệ không thực thiện bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bộ Tư pháp cũng đã báo cáo Thủ tướng liên quan đến trường hợp lái xe công nghệ. Trong báo cáo của đơn vị này đã nhận định, rất khó để coi lái xe công nghệ là quan hệ lao động. Vì vậy, khó có thể đưa họ trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho hay, trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, ban soạn thảo đã cập nhật thêm các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, trong đó có quy định tất cả các trường hợp, cho dù có thỏa thuận tên khác, không gọi là hợp đồng lao động nhưng có các tiêu chí nhận diện là quan hệ lao động vẫn thuộc trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đây là tinh thần mới của Bộ luật Lao động và được thể hiện trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Trước đó, nghiên cứu "Một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp lái xe công nghệ, giao hàng, giúp việc gia đình" của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có nêu nền kinh tế Gig là mô hình kinh tế sử dụng các nền tảng số kết nối lao động tự do với khách hàng.

Từ đó, cung cấp các dịch vụ ngắn hạn, người lao động có công việc tạm thời hoặc thực hiện các phần việc riêng biệt trong chuỗi công việc chung, mỗi công việc được trả lương riêng (thay vì làm việc cho một chủ lao động và làm việc toàn thời gian).

Theo nghiên cứu, lái xe, giao hàng công nghệ chính là người lao động Gig. Dù là người có quan hệ lao động hay không có quan hệ lao động thì vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Y tế.

Lái xe, giao hàng công nghệ được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm nếu đáp ứng đủ các điều kiện hỗ trợ và khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro.

Khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, nhóm lao động này hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh. Khi đó, họ chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân.

Điều đáng nói, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, tham gia bảo hiểm y tế 51,11%; chỉ 8,15% tham gia bảo hiểm xã hội.