1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, người rút BHXH một lần hối hận

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Từ cuối năm 2023, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến nhiều người từng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để lấy tiền gửi ngân hàng tiếc nuối.

Tính già hóa... non

Cuối năm 2021, bà Sanh mất việc vì công ty khó khăn sau dịch Covid-19. Dù chỉ còn 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng bà Sanh quyết định không đi làm công ty nữa, chờ đến cuối năm 2022 lãnh tiền BHXH một lần.

Với 14 năm 8 tháng tham gia BHXH, mức lương bình quân đóng BHXH gần 6 triệu đồng, bà Sanh được nhận về 150 triệu đồng. Gom thêm 50 triệu đồng tiết kiệm, bà gửi ngân hàng 200 triệu đồng kỳ hạn 1 năm với lãi suất 8%/năm.

Tháng 12/2023, bà Sanh tất toán sổ tiết kiệm, lãnh 16 triệu đồng tiền lãi mà bà không vui. Bởi, ngân hàng thông báo lãi suất mới chỉ là 5% nếu bà gửi kỳ hạn 1 năm, kỳ hạn dưới 3 tháng thì lãi suất chỉ là 2,3%.

"Năm ngoái lãi suất 8%, tính ra mỗi tháng tiền lãi còn được 1,3 triệu đồng. Nay lãi suất 5% thì năm sau được 10 triệu đồng tiền lãi, tính ra mỗi tháng được hơn 800.000 đồng. Gửi kỳ hạn 1 tháng thì còn thấp hơn, mỗi tháng chỉ được chừng 500.000 đồng. Nếu tôi cố làm thêm vài năm lãnh lương hưu thì cao hơn nhiều", bà Sanh tiếc nuối.

Nếu làm thêm đến nay thì bà Sanh đã đủ tuổi nghỉ hưu, có gần 17 năm tham gia BHXH bắt buộc. Khi đó, bà Sanh chỉ cần dùng số tiền 50 triệu đồng mà bà tiết kiệm được để đóng thêm 3 năm BHXH tự nguyện là được hưởng lương hưu với mức lương bằng 55% tiền lương tháng đóng BHXH, tức là khoảng 3,3 triệu đồng/tháng.

Dù tiếc nuối, bà Sanh cũng phải chấp nhận thực tế mình đã rút BHXH một lần, toàn bộ số tiền dưỡng già lúc này chỉ là 200 triệu đồng. Bà cũng chỉ có thể gửi số tiền tiết kiệm trên vào ngân hàng lấy lãi dù lãi suất đang rất thấp vì bà không biết kinh doanh gì. Sang năm, bà sẽ được nhận 10 triệu đồng để chia ra dưỡng già trong 1 năm.

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, người rút BHXH một lần hối hận - 1

Không có lương hưu, người già dễ rơi vào cảnh túng quẫn (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo BHXH Việt Nam, nếu chẳng may rơi vào tình huống thất nghiệp, người lao động (NLĐ) nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp để vượt qua khó khăn trong thời gian tìm việc mới. Còn quá trình đóng BHXH nên bảo lưu, chờ tìm được công việc mới sẽ tham gia trở lại.

Mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp cũng không phải là thấp để duy trì cuộc sống.

Khi qua giai đoạn khó khăn, NLĐ trở lại thị trường lao động, tiếp tục đóng BHXH để tính hưởng lương hưu thì về già đảm bảo an ninh tài chính, có lợi hơn rút BHXH một lần rất nhiều.

Lương hưu cao gấp 4 lần rút BHXH một lần

Năm 2022, BHXH Việt Nam đã có bảng giả định so sánh lợi ích của chế độ hưu trí so với rút BHXH một lần.

BHXH giả định trường hợp một người có 20 năm đóng BHXH (từ 2001-2020) với mức lương bình quân là 6 triệu đồng.

Giả sử NLĐ đủ điều kiện và rút BHXH một lần vào năm 2022 thì số tiền họ sẽ được lĩnh là 1,5 tháng lương mỗi năm cho 13 năm đóng BHXH trước năm 2014 (1,5 x 6 triệu x 13 năm = 117 triệu đồng) và 2 tháng lương mỗi năm cho 7 năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (2 x 6 triệu x 7 năm = 84 triệu đồng).

Như vậy, tổng cộng số tiền NLĐ được nhận khi rút BHXH một lần là 201 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu vào năm 2022 thì số tiền họ được nhận sẽ lớn hơn rất nhiều.

Với lao động nam, nếu năm 2022, NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu, tức là 60 tuổi 6 tháng. Với tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi thì NLĐ sẽ được hưởng lương hưu khoảng 11 năm (tạm tính là 132 tháng).

Vì đóng BHXH 20 năm nên lương hưu người này được hưởng là 45% tiền lương tháng đóng BHXH, tức khoảng 2,7 triệu đồng/tháng.

Vậy tổng tiền lương hưu NLĐ nam nhận được trong 11 năm hưởng lương hưu là 356,4 triệu đồng, gấp hơn 1,8 lần so với rút BHXH một lần.

Ngoài ra, NLĐ còn được mua thẻ BHYT miễn phí trong 132 tháng hưu trí với số tiền là 16.038.000 đồng (132 tháng x 4,5% lương hưu).

Khi mất, NLĐ nam được nhận trợ cấp mai táng là 10 tháng lương cơ sở, trợ cấp tuất một lần tối thiểu là 8,1 triệu đồng (3 tháng lương hưu trước khi chết).

Với lao động nữ, năm 2022 đủ tuổi hưu nghĩa là 55 tuổi 8 tháng. Với tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,3 tuổi thì người này sẽ được hưởng lương hưu khoảng 20 năm (tạm tính là 240 tháng).

Với thời gian đóng BHXH 20 năm, mức hưởng lương hưu của người này bằng 55% tiền lương tháng đóng BHXH, tức khoảng 3,3 triệu đồng/tháng.

Vậy tổng tiền lương hưu lao động nữ nhận được trong 20 năm hưởng lương hưu là 792 triệu đồng, gấp 4 lần khi rút BHXH một lần.

Ngoài ra, NLĐ nữ còn được mua thẻ BHYT miễn phí trong 240 tháng hưu trí với số tiền là 35.640.000 đồng (240 tháng x 4,5% lương hưu).

Khi mất, NLĐ nữ được nhận trợ cấp mai táng là 10 tháng lương cơ sở, trợ cấp tuất một lần tối thiểu là 9,9 triệu đồng (3 tháng lương hưu trước khi chết).