Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời (kỳ 2):
Điều kỳ diệu từ cậu bé 5 tuổi khiếm thị trở thành cử nhân luật
(Dân trí) - 5 tuổi, sau một cú ngã, Sỹ Anh mãi mất đi đôi mắt sáng. Tưởng rằng, bóng tối sẽ dập tắt mọi ước mơ, nhưng bằng nghị lực phi thường, Sỹ Anh đã làm được điều tưởng chừng như không thể.
Lời tòa soạn
Đến Trung tâm giáo dục dạy nghề, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa có thể nghe bao chuyện thân phận của những người khiếm thị. Thế giới của họ bị bủa vây bởi bóng đêm, vượt qua bóng tối là khoảng sáng của cuộc đời. Mái nhà chung đã "chắp cánh" cho những người khiếm thị không còn định hình được sắc màu của cuộc sống, nuôi sống bản thân, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Báo Dân trí cùng ghi lại những câu chuyện truyền cảm hứng đó trong loạt bài "Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời".
Chàng trai mù tốt nghiệp Đại học loại giỏi
Từ xa, tôi trông thấy anh Lê Sỹ Anh (34 tuổi) đang cầm tay học trò lần mò trên bàn phím máy tính. Cả thầy và trò đều bị khiếm thị, họ không nhận ra có khách cho đến khi tôi lên tiếng.
Tôi không muốn gợi lại câu chuyện buồn trong quá khứ nhưng anh Sỹ Anh như hiểu ý, tự mở lòng. Anh kể, khi lên 5 tuổi, sau cú ngã bị đập đầu xuống nền sân nhà, dây thần kinh thị giác bị teo lại, mọi vật xung quanh anh bỗng chốc chìm vào bóng tối.
Khi đó, anh Sỹ Anh vẫn nhớ như in tiếng gào khóc của bố mẹ, sau đó là quá trình đưa con đi khắp nơi chữa trị, nhưng kết quả vẫn là con số không. Anh Sỹ Anh mất đi đôi mắt sáng.
Nghe các bạn cùng trang lứa đi học về làm toán, đọc thơ, hát, Sỹ Anh khao khát được đến trường. Năm 1997, biết được thông tin người mù có thể học chữ nổi, cậu bé Sỹ Anh nằng nặc đòi bố mẹ được đến trường. Thương con, bố mẹ Sỹ Anh hằng ngày vượt gần 20km để đưa con đến Hội người mù tỉnh Thanh Hóa học.
Sau 2 năm học lớp tiền hòa nhập tại trung tâm, Sỹ Anh về địa phương (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) mang theo ước mơ học chữ nơi trường Tiểu học quê nhà. Tuy nhiên, hiện thực nghiệt ngã mà cậu bé Sỹ Anh không nghĩ đến là sự từ chối tiếp nhận một cậu bé bị mù.
Tưởng chừng như Sỹ Anh sẽ chùn bước, nhưng gạt đi nỗi buồn, sự tự ti của bản thân, năm 2001, Sỹ Anh tiếp tục xin bố mẹ đến Trung tâm giáo dục dạy nghề, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa học chữ nổi. Khi học xong lớp 2, Sỹ Anh một lần nữa mong ước được đi học ở trường làng. Điều kỳ diệu đã đến, Sỹ Anh được tiếp nhận vào lớp 3, cùng các bạn mắt sáng.
Anh Sỹ Anh kể, từ cấp 1 đến cấp 3, anh đều học chữ nổi, nhưng lúc đấy chưa có sách giáo khoa, tài liệu in chữ nổi nên phải nhờ bạn bè, người thân đọc cho nghe rồi lần mò chuyển sang chữ nổi cho dễ tiếp cận.
Với kết quả học tập tốt, hết cấp 3, Sỹ Anh nộp hồ sơ xét tuyển và đậu vào Đại học Luật Hà Nội năm 23 tuổi. "Lo cho tôi mù lòa không thể tự xoay xở nơi đất Hà Thành, bố mẹ khuyên ngăn không cho đi học tiếp, song tôi vẫn quyết tâm theo đuổi và chinh phục ước mơ của mình", chàng cử nhân Luật cho biết.
Anh Sỹ Anh kể, năm 2012, gần 10.000 sinh viên Luật nhưng chỉ duy nhất mình anh bị mù. Anh phải học trong một môi trường vô cùng khó khăn, không có giáo trình, tài liệu chữ nổi… Nhiều bạn bè nói rằng, mù thì không thể học Luật, nên từ bỏ tìm kiếm một công việc khác phù hợp với bản thân. Nhưng ý chí đã quyết, Sỹ Anh vẫn nỗ lực với những điều tưởng như không thể.
Trời không phụ lòng người, sau tháng năm khổ luyện học tập, năm 2016, Sỹ Anh tốt nghiệp cử nhân Luật với tấm bằng loại giỏi khiến nhiều người giật mình. "Tiếp cận với máy tính từ năm 2010 và như có duyên với nó nên tất cả các bài luận, tra tài liệu về môn học tôi đều dùng trên máy tính in thành sách, đĩa nộp cho thầy cô. Thi vấn đáp thì tôi cũng giống các bạn", anh Sỹ Anh cho biết.
Người mù lo cho... những người mù
"Người mù lo cho người mù", đó là câu chuyện tưởng đùa mà thật của anh Lê Sỹ Anh. Ra trường, anh Sỹ Anh làm Phó chủ tịch Hội người mù huyện Thiệu Hóa. Tháng 5/2019, anh Sỹ Anh được bầu làm chủ tịch Hội người mù huyện Triệu Sơn. Anh còn làm chuyên viên tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế.
Anh Sỹ Anh cho biết, trên địa bàn huyện có 191 người đồng cảnh ngộ. Đa số họ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại trung tâm nơi anh quản lý, hiện có 10 lao động tập trung; một lớp dạy xóa mù chữ, dạy nghề cho người mù. Lớp học có 16 người khiếm thị ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Theo học lớp chữ nổi tại Hội người mù huyện Triệu Sơn, Hồ Hoài Anh (17 tuổi) cho biết, em bị mù bẩm sinh, đến đây học chữ nổi, học tin học với mong muốn sau này tự nuôi sống bản thân.
Theo Sỹ Anh, nghề chính của hội là tẩm quất và làm tăm. Tuy nhiên tẩm quất ở đây rất hạn chế, không nhiều người có nhu cầu. Về làm tăm thì đơn vị nhập phôi tăm ở Hà Nội về đóng gói, dán nhãn vào túi rồi bán. Mỗi năm trung tâm bán 1 tấn tăm (khoảng 80.000 gói tăm).
Thị trường tiêu thụ tăm của trung tâm còn hạn chế, chỉ có các đơn vị trường học và một vài xã trên địa bàn. Bởi vậy, thu nhập của người mù thấp, công tác chăm sóc người mù trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Người có thu nhập cao là 4 triệu đồng/người/tháng, người thu nhập thấp thì chỉ khoảng 2 triệu đồng.
"Mong rằng không chỉ các trường học mà các cơ quan đoàn thể của xã như Hội phụ nữ, Hội nông dân, MTTQ xã, Đoàn thanh niên, các tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài huyện,… cũng sẽ mua tăm của hội. Mỗi gói tăm được bán ra không chỉ là trao gửi yêu thương mà còn giúp người mù có thêm động lực để sống", Sỹ Anh trải lòng.
Cô giáo Nguyễn Thị Mạo, Phó chủ tịch hội người mù tỉnh Thanh Hóa cho biết, anh Lê Sỹ Anh là một trong 2 người mù dạy được môn tin học cho người khiếm thị ở Thanh Hóa.
"Là một trong những người mù thành công, anh Sỹ Anh luôn nỗ lực để tăng thêm thu nhập cho hội viên. Ngày ngày, Sỹ Anh đứng lớp, động viên, chia sẻ cũng như định hướng xây nên ước mơ cho những người cùng cảnh ngộ", cô Mạo chia sẻ.