Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời (kỳ 1):
Cuộc sống của cô giáo sau 22 năm bị người yêu cũ tạt a xít vào mặt
(Dân trí) - Cô Dương mất đi đôi mắt, khuôn mặt hằn in những sẹo. Trời như sụp xuống nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục, hơn 20 năm qua với cô là hành trình vượt nỗi đau mỗi ngày để vẫn đứng trên bục giảng.
Lời tòa soạn
Đến Trung tâm giáo dục dạy nghề, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa có thể nghe bao chuyện thân phận của những người khiếm thị. Thế giới của họ bị bủa vây bởi bóng đêm, vượt qua bóng tối là khoảng sáng của cuộc đời. Mái nhà chung đã "chắp cánh" cho những người khiếm thị không còn định hình được sắc màu của cuộc sống, nuôi sống bản thân, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Báo Dân trí cùng ghi lại những câu chuyện truyền cảm hứng đó trong loạt bài "Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời".
Kỳ 1: Cuộc sống của cô giáo sau 22 năm bị người yêu cũ tạt axit
Cô Dương mất đi đôi mắt, khuôn mặt hằn in những sẹo sau khi bị người yêu cũ tạt axit. Trời như sụp xuống nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục, hơn 20 năm qua với cô là hành trình vượt nỗi đau mỗi ngày để vẫn đứng trên bục giảng.
16 lần phẫu thuật
Cánh cửa phòng mở ra, cô giáo Lê Thị Ánh Dương trang phục chỉn chu đứng đón khách. Ở tuổi 40, người phụ nữ khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo nổi sần, đeo cặp mắt kính đen lớn, nổi bật nước da trắng như bóc… Theo thói quen, cô Dương quơ đôi tay tìm ghế mời khách, động tác thuần thục.
22 năm trôi qua, có những chuyện đã rơi vào quên lãng nhưng với cô Dương thì cái đêm định mệnh kinh hoàng ấy vẫn hằn in trên khuôn mặt, đôi mắt và cả trong tiềm thức.
Cô Dương kể, sau khi tốt nghiệp cấp 3 Trường THPT chuyên Lam Sơn, với thành tích đạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, cô được tuyển thẳng vào khoa tiếng Anh, Trường đại học Hồng Đức. Ra trường, cô công tác tại một trường cấp II ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).
Tuổi 22, thanh xuân tươi đẹp đang rộng mở thì vào một buổi tối mùa hè năm 2001, lúc đi dạy về gần đến nhà, cô bị cái gì đó lành lạnh tạt mạnh vào người. Cảm giác cháy da, cháy thịt ập đến. Cô la lên thất thanh rồi ngất lịm.
Tỉnh dậy, cô Dương không nhìn thấy gì, chỉ biết toàn thân đau đớn, bỏng rát. Cô tuyệt vọng hơn khi biết kẻ gây ra tội ác với mình chính là người yêu cũ và em trai của người này. Thứ chất mà cô bị tạt là axit.
Để cứu con gái, bố mẹ cô đã bán hết tài sản, mảnh đất với căn nhà cấp 4 là nơi trú ngụ cuối cùng của gia đình. Hơn 3 năm, trải qua 16 lần phẫu thuật, các bác sĩ bệnh viện Bỏng quốc gia cứu được mạng sống của cô nhưng không thể giúp cô tìm lại được ánh sáng. Cô bị mù vĩnh viễn.
"Gục ngã, tuyệt vọng, rơi vào bế tắc, một thời gian dài tôi đóng cửa ngồi một mình trong phòng. Nhiều lần tôi đã xin bố mẹ để được chết đi như một sự giải thoát thay vì chịu đựng đau đớn, nhưng bố mẹ vẫn kiên trì động viên, chạy chữa cho tôi. Thương bố mẹ, tôi cố sống tiếp", cô Dương nhớ lại.
Tình yêu diệu kỳ
Đứng dậy khi vết thương còn đang rỉ máu, cô Dương quyết tâm: "Không chết thì mình phải sống". Cô bước vào bóng tối, thế giới của những người mù với phương châm "từ từ rồi sẽ qua, cuộc đời là như vậy".
Lần mò với thế giới chỉ màu đen đó, không ít lần cô Dương bị vấp ngã, chảy máu, song với một người bị tạt axit, trải qua 16 lần phẫu thuật trong 3 năm thì không còn nỗi cùng cực nào hơn.
"Tôi mở lòng khi đến Hội người mù Thanh Hóa sinh hoạt. Gặp những con người chung hoàn cảnh, tôi cảm thấy hãy còn may mắn khi đã từng được nhìn thấy thế giới này, nhìn ngắm gương mặt mình qua gương, biết được màu da, mái tóc thân yêu của các thành viên gia đình và định hình được cuộc sống", cô Dương chia sẻ.
Biết được khát khao đứng lớp của cô, Ban giám đốc Trung tâm giáo dục dạy nghề - Hội người mù tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho cô đi học chữ nổi. Và thế là cô Dương bắt đầu rèn luyện với những con chữ mới, cô kiên trì học nghiệp vụ dạy trò khiếm thị. Ước mơ đứng trên bục giảng hồi sinh, cô có động lực để sống.
Xác định sống với tâm thế tích cực, cuộc sống không quay lưng với cô Dương. Sau khi bán nhà chạy chữa cho con gái, cùng cực, bố mẹ cô dồn sức mua một lô đất nhỏ hơn để xây nhà. Lô đất mà bố mẹ cô mua nằm trong khu vườn của bố mẹ anh Nguyễn Mạnh Cường, người chữa lành với cô giáo trẻ.
Cô Dương nhớ lại, đầu năm 2004 gặp anh Cường, người kém cô một tuổi. Ban đầu anh và cô nói chuyện, tâm sự như hai người bạn hàng xóm thông thường, bởi cô Dương chưa bao giờ nghĩ mình có thể bắt đầu tình yêu mới khi nỗi đau về thân xác còn hiện hữu.
"Khi nhận ra sự khác biệt anh đối với mình, tôi nghĩ anh đang đùa giỡn với một cô gái khiếm thị, tật nguyền. Nhưng không, anh mang theo trái tim chân thành. Anh quả quyết, điềm tĩnh, nói chuyện chậm rãi. Mẹ tôi còn nói, anh Cường rất đẹp trai. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà anh lại cương quyết đến với tôi như vậy", cô Dương kể.
Hai năm sau, sự chân thành của anh Cường đã làm trái tim tổn thương của cô giáo Dương một lần nữa bồi hồi. Tin tưởng trao tình yêu của mình, niềm vui ngập tràn đến với cô giáo khiếm thị khi đón con gái đầu lòng chào đời năm 2008.
Để tiện chăm sóc, đưa đón vợ, anh Cường xin làm bảo vệ ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống gia đình giản dị, đầm ấm được đôi vợ chồng xây đắp từ những đổ vỡ, đau thương như thế.
18 năm sống cùng nhau, cô Dương luôn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc khi ở bên chồng. Mỗi ngày, cô giáo lại thấy lòng thương, yêu lớn hơn.
"Đến giờ, tôi chưa biết khuôn mặt chồng, chỉ biết anh có một tâm hồn rất đẹp, trái tim ấm áp và tấm lòng vị tha. Giờ tôi chỉ ước mơ là một lần được thấy lại ánh sáng, để được ngắm nhìn chồng, con, học trò", cô Dương bộc bạch.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa cho biết, cô giáo Dương hiện là người khiếm thị duy nhất ở Thanh Hóa thuộc biên chế của ngành giáo dục. Cô cũng là giáo viên dạy môn tiếng Anh bằng chữ nổi duy nhất ở Thanh Hóa.
"Tiếng học trò gọi cô, tiếng đọc thơ, tiếng hát giúp cô Dương tìm thấy niềm vui khi đứng trên bục giảng, để quên đi quá khứ đau đớn. Với một người khiếm thị, sống trong thế giới bóng đêm mà vẫn được làm nghề mình yêu thích, truyền cho những học trò kém may mắn tri thức là niềm vui, hạnh phúc, là động lực để họ sống tiếp", ông Trung nói.