1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hà Tĩnh:

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Tiến Hiệp

(Dân trí) - Để tri ân những hy sinh mất mát của bao lớp người trên tuyến đường 22 và sân bay LiBi, tỉnh Hà Tĩnh vừa duyệt chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm và Đền thờ anh hùng liệt sỹ trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Trận địa bi tráng trong lòng hồ 

Năm 1966, để giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song để tránh các trọng điểm đánh phá của quân Mỹ, đồng thời đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định mở tuyến đường 22.

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ - 1

Tuyến đường 22 vẫn hiện rõ ở khu vực thượng nguồn khi nước trong lòng hồ Kẻ Gỗ xuống thấp vào mùa khô.

Đường 22 có chiều dài 65km. Hiện nay có khoảng 25km tuyến đường này đang nằm dưới đáy hồ Kẻ Gỗ. Trong quá trình mở đường 22 (năm 1966-1972), hàng chục ha đất bằng phẳng nằm dưới chân núi vùng hạ lưu khe LiBi trong lòng hồ Kẻ Gỗ - nơi tuyến đường đi qua, đã được chọn làm sân bay dã chiến. Sân bay LiBi chính là tên gọi được đặt theo tên khe nước.

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ - 2

Khu vực sân bay LiBi trên tuyến đường 22 chi chít hố bom.

Theo ông Phan Khắc Quỳnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ (thời kỳ 1965 - 1975), gần 10 năm, từ khi bắt đầu mở đường 22, làm sân bay LiBi đến khi kết thúc chiến tranh, đã có rất nhiều bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh tại trận địa này.

Trong đó, trận ném bom vào ngày 2/9/1968 trên tuyến đường 22 khiến gần 60 thanh niên xung phong và bộ đội hy sinh, hàng chục người bị thương. Trận ném bom vào rạng sáng ngày 7/1/1973 tại sân bay LiBi khiến 135 người nằm xuống, hàng chục người bị thương. Đây cũng là trận rải bom cuối cùng của quân Mỹ trong chiến dịch đánh phá miền Bắc.

Năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh thi công hồ Kẻ Gỗ phục vụ tưới tiêu cho các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc… Mọi chứng tích chiến tranh trên đoạn đường 25km từ đầu đường 22 (khu vực Đá Bạc) đến sân bay LiBi, từ đó, đã chìm sâu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ.

Năm 2005, sau khi có người đánh cá trong lòng hồ phát hiện ra những ngôi mộ khi nước hồ rút, chính quyền địa phương mới bắt đầu cho cất bốc, di dời số mộ này ra khỏi lòng hồ.

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ - 3

Những hố bom qua hàng chục năm vẫn còn nguyên vẹn, dù nước ngập, cỏ phủ.

Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Xuyên, để tri ân các liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và tại sân bay dã chiến LiBi, trong những năm qua, ngành chức năng, nhân dân địa phương đã nhiều lần phối hợp tìm kiếm, cất bốc, di dời thi hài các liệt sỹ về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên. Đến nay, các lực lượng đã cất bốc được hơn 100 hài cốt liệt sỹ đưa về nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Năm 2010, trong một chuyến tham quan hồ Kẻ Gỗ, sau khi được nghe về lịch sử các trận đánh và những mất mát đau thương của rất nhiều bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ở đây, đoàn cán bộ Sở Giao thông vận tải TPHCM đã cùng nhau quyên góp tiền, giao lại cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với nguyện vọng lập một miếu thờ nhỏ để hương khói cho các anh hùng, liệt sỹ nơi trận địa này.

Sau khi Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ báo cáo nguyện vọng, UBND huyện Cẩm Xuyên đã cùng vào cuộc quyên góp, xây dựng ngôi miếu thờ trị giá hơn 130 triệu đồng.

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ - 4

Ngôi miếu thờ cúng các anh hùng, liệt sĩ được xây dựng năm 2011 trong khu vực hồ Kẻ Gỗ.

Ngôi miếu hoàn thành vào năm 2011 và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Những năm qua, người dân, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cùng rất nhiều đoàn thường xuyên đến đây thắp hương tưởng nhớ, cầu siêu cho những liệt sỹ ngã xuống nơi đây.

Hiện tại, miếu thờ sân bay LiBi tạm thời đã có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sỹ đã hy sinh tại mặt trận này, trong đó toàn bộ những liệt sỹ đã hy sinh trong trận tập kích ngày 7/1/1973.

Khu tưởng niệm xứng với tầm vóc lịch sử

Do đây vẫn chỉ là một ngôi miếu nhỏ nên nhiều năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, người dân địa phương cũng như thân nhân các liệt sỹ đều mong muốn xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang trọng hơn, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này…

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ - 5

Những năm gần đây, tại ngôi miếu nhỏ trong hồ Kẻ Gỗ có rất nhiều đoàn thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ, cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ nằm lại giữa đại ngàn.

Trước nguyện vọng của nhân dân về một công trình xứng đáng với những hy sinh đã hóa thành bất tử của bao lớp người đi trước, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản thống nhất chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm và Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên).

Theo ông Nguyễn Viết Ninh - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, công trình sẽ được xây dựng ngay tại khu vực miếu thờ liệt sỹ trong lòng hồ Kẻ Gỗ - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng miếu thờ hiện có và mở rộng khuôn viên với tổng diện tích 5.000m2.

Khu tưởng niệm xứng tầm nơi trận địa sân bay trong lòng hồ Kẻ Gỗ - 6

Phối cảnh Khu tưởng niệm và Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ.

Công trình gồm đền thờ chính và các công trình phụ trợ với kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.

UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ làm chủ đầu tư, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo, vận động kinh phí xây dựng công trình.

"Hiện đơn vị đang hoàn thành các thủ tục liên quan. Trường hợp mọi việc được tiến hành thuận lợi thì vào tháng sau, công trình sẽ được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành trong 30 tháng", ông Ninh thông tin.