Không được tăng ca, nữ công nhân xin khất tiền trọ để đóng học cho con
(Dân trí) - Vừa nhận lương, hai vợ chồng chị Thủy (quê Thanh Hóa) gom lại từng đồng mới đủ đóng các khoản tiền đầu năm học cho con. Lại một tháng ít việc, chị phải xin chủ trọ cho nợ tiền thuê phòng.
Gom tiền học thì khất tiền trọ
Rời quê Phú Thọ xuống Hà Nội làm việc từ lúc tuổi đôi mươi, đến nay chị Phạm Thị Thủy đã có 18 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long. Căn phòng trọ rộng chừng 15m2 ở xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) là nơi gia đình 4 người đã gắn bó nhiều năm.
Hơn 10 tháng qua, công ty thiếu đơn hàng, công nhân gần như không được tăng ca. Chị khoe bản thân là công nhân "cứng" nên thu nhập mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng, còn người mới vào làm chỉ 5 triệu.
"Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng cũng không đến mức khó khăn như hiện tại. Ngày đó, có tháng tôi "cày" được hơn 10 triệu đồng, khi được tăng ca. Giờ việc ít, thu nhập thấp, vừa rồi mới có 1 tháng công ty có đơn hàng, được làm thêm ngày thứ 7, thu nhập nhỉnh hơn một chút", chị Thủy kể.
Liệt kê đủ khoảng phải chi như thuê nhà, tiền điện, nước, sinh hoạt và nuôi con... chị cho biết con lớn vừa vào lớp 10, con nhỏ đang tiểu học, đầu năm học tới, riêng các khoản đóng góp cho con đã gần 20 triệu. Vừa nhận tháng lương có nhỉnh hơn đôi chút, vợ chồng lại phải vét sạch, gom nhặt từng đồng mới đủ.
"Vợ chồng tôi mỗi người một quê, đi làm công nhân ngoài này gặp rồi lấy nhau nên mỗi năm cũng chỉ sắp xếp về quê nội ngoại 1-2 lần. Công nhân lương thấp trong khi đủ khoản tiền từ tiền nhà trọ, tiền học của con cái nên không dư giả gì.
Năm nay nhà ở quê có việc, vợ chồng tôi dồn tiền lo việc nhà xong lại lo tiền học của con, đang phải xin chủ nhà trọ khất nợ tiền thuê phòng nửa năm nay. May bác chủ nhà cũng hiểu cho cảnh khó, cũng tin vì gia đình tôi đã ở đây bao năm", chị Thủy cho biết, gánh nặng những tháng cuối năm là phải tính toán, tiết kiệm hơn nữa để dồn trả tiền phòng.
Cũng như chị Thủy, chị Đặng Thị Thu (quê Hà Tĩnh) sấp ngửa những "ngày sợ hãi" vừa qua, khi năm học mới đến. Đi làm về tới cửa, chưa kịp thay đồ, chị Thu lại tất tả cơm nước để con gái kịp giờ đi học thêm tiếng Anh.
Gần 20 năm ra Hà Nội lập nghiệp, làm qua hai công ty, nữ công nhân chưa thấy khi nào khó khăn như năm nay. Đã gần cả năm không tăng ca, chỉ làm giờ hành chính, thu nhập được chưa đến 6 triệu đồng/tháng.
"Kiểu này phải tìm một công việc khác chứ thu nhập như hiện tại khó khăn quá. Vài tháng gần đây tôi đã bán hàng online, cố mỗi tháng kiếm thêm được 1-2 triệu đồng trang trải tiền nhà trọ", chị Thu lo lắng.
Mót trong túi áo còn hơn 100.000 đồng, chị than: "Lương công nhân tháng nhận một lần nhưng chưa được một tuần là hết".
"Chúng tôi hay trêu nhau, mùng 10 lấy lương là đầu tháng còn sang ngày 11 là cuối tháng. Tôi khá hơn vì ngày 15 trở đi mới... cháy túi, vừa lấy lương đã phải đập sang trả luôn 2 triệu đồng vay bạn tháng trước", chị Thu kể.
Mối lo học hành với gia đình công nhân
Khá hơn hai nữ công nhân, dù công ty ít việc, không tăng ca nhưng thu nhập của anh Nguyễn Văn Sáng (42 tuổi, quê Hưng Yên) mỗi tháng hơn 10 triệu đồng do anh làm quản lý tại một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa.
"Như trước đây công việc tăng ca nhiều, cộng các khoản phụ cấp, thâm niên... có tháng tôi được 20 triệu đồng. Giờ thì tổng lương của hai vợ chồng mới bằng thu nhập của tôi trước đây nhưng các khoản phải chi càng ngày càng nhiều.
Vợ chồng tôi còn xoay xở được, chứ nhiều công nhân ở công ty mới vào làm lương chỉ 4-5 triệu đồng. Có bạn tâm sự bảo dù nhớ con lắm nhưng không dám về thăm con vì không có tiền", anh Sáng nói.
Anh cho hay, nếu những tháng tới tiếp tục ít việc, không tăng ca, nhiều người sẽ không thể cầm cự được bởi lương cơ bản may ra chỉ đủ ăn, chưa kể tiền nhà trọ, con cái học tập… Năm nay, vợ chồng anh Sáng dù dễ thở hơn nhiều gia đình công nhân trong xóm trọ nhưng đã phải hạn chế về quê, đi lại, thắt chặt chi tiêu sinh hoạt.
"Bình thường đến ngày nhận lương, vợ chồng tôi sẽ đưa các con đi ăn hàng, cải thiện bữa ăn hoặc thi thoảng rủ bạn bè đến nhà liên hoan nhưng năm nay khoản này phải cắt triệt để.
Vừa rồi đi họp phụ huynh, cô giáo lớp con tôi còn khóc khi kể về hoàn cảnh của một em học sinh trong lớp. Bố mẹ mới đi làm công nhân, đầu năm học không đủ tiền mua bộ quần áo mới cho con. Thương cho con trẻ nhà nghèo", anh Sáng kể.
Chị Hồ Thị Bằng (vợ anh Sáng) chia sẻ, với mức thu nhập trước đây, 2 vợ chồng đã ấp ủ dành dụm để mua nhà. Nhưng đã mấy năm, so thu nhập với chi tiêu của cả gia đình thì chỉ đủ sống.
"Con lớn nhà tôi năm nay học lớp 9, cháu thứ 2 vào lớp 1. Hai con lớn dần, sinh hoạt bất tiện, vợ chồng tôi muốn thoát cảnh thuê nhà lắm nhưng hiện vẫn chưa thể nghĩ đến vì giá chung cư quá cao so với điều kiện kinh tế", chị Bằng chia sẻ.
Chưa dám nghĩ tới chuyện nhà cửa, vợ chồng anh Sáng mới tính việc sang năm con lớn chuyển cấp, dễ phải học trường dân lập vì gia đình không có hộ khẩu Hà Nội đã lo sốt vó.
"Các khoản chi phí học hành của con chắc chắn sẽ tăng lên. Vợ chồng tôi chỉ mong tình hình ổn định để "cày cuốc", có thêm thu nhập. Cũng mong muốn Bộ GD&ĐT điều chỉnh giảm tiền học phí cho con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn, các trường hạn chế tiết dạy ngoài giờ để giảm bớt chi phí cho phụ huynh", anh Sáng nói.