1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

Không dùng tiền mặt chi trả chính sách an sinh xã hội

Công Bính

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, năm nay, việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt thực hiện thí điểm tại huyện Đại Lộc và TP Hội An.

Tỉnh khuyến khích các địa phương còn lại lựa chọn 1-2 đơn vị cấp xã trên địa bàn thực hiện thí điểm, làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh kể từ năm 2024.

Không dùng tiền mặt  chi trả chính sách an sinh xã hội - 1

Bảo hiểm xã hội Quảng Nam hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số cho người dân (Ảnh: Thanh Dũng).

Đối tượng triển khai thực hiện, gồm Người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào, người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Campuchia đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, theo dõi thực hiện chế độ ưu đãi.

Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; người hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam.

"Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt trợ cấp ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội không làm phát sinh thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nhóm đối tượng này", theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam nêu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mục đích chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt của tỉnh nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.