1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Khốn khổ vì cho người bạn mới quen mượn hồ sơ để xin việc từ 15 năm trước

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cho người khác mượn hồ sơ để đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều người lao động bị thiệt thòi vì không được hưởng các chế độ BHXH vì trùng thời gian đóng BHXH.

Năm 2009, trong thời gian đi xin việc lần đầu, chị Lan quen một người bạn. Do thiếu hiểu biết quy định pháp luật, Lan cho người bạn trên mượn một bộ hồ sơ của mình để xin việc ở một công ty khác.

Khi có nhu cầu hưởng chế độ BHXH, chị Lan mới phát hiện quá trình đóng BHXH của mình bị trùng do cùng thời điểm có 2 số sổ BHXH mang tên chị.

Khốn khổ vì cho người bạn mới quen mượn hồ sơ để xin việc từ 15 năm trước  - 1

Người lao động thiệt thòi vì cho người khác mượn hồ sơ đi làm (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Chị Lan cho biết: "Tôi đã đến cơ quan BHXH Thành phố và họ hướng dẫn tôi đến tòa án, rồi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tôi đã đi rất nhiều nơi nhưng không có được sự giúp đỡ để giảm trùng. Tôi thật muốn xin hủy sổ BHXH mà người kia đóng đi vì không phải là của mình nhưng cũng không được. Bây giờ tôi phải đi đến đâu để được làm hồ sơ giảm trùng hoặc hủy sổ?".

BHXH Việt Nam cho biết, những trường hợp mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động như chị Lan được hướng dẫn giải quyết tại Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH ngày 31/5/2022 của Bộ LĐ-TB&XH.

Theo đó, trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc "trung thực" theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: "Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự".

Căn cứ vào hướng dẫn trên, BHXH Việt Nam cho biết: "Bạn cho người khác mượn hồ sơ để giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH. Vì vậy, hợp đồng lao động của người mượn hồ sơ bị vô hiệu toàn bộ. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc về Tòa án".

"Để đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH của mình, đề nghị bạn liên hệ với người mượn hồ sơ để yêu cầu họ nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động đã ký vô hiệu. Sau đó, đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh thông tin nhân thân trên sổ BHXH đã cấp từ tên của người cho mượn hồ sơ về đúng thông tin nhân thân của người mượn hồ sơ", BHXH hướng dẫn chị Lan.

Tuy nhiên, khó khăn là Lan chỉ quen sơ với người mượn hồ sơ từ 15 năm trước. Đến nay, chị không còn liên lạc với người bạn trên nên chưa thể làm theo hướng dẫn, không thể thực hiện các thủ tục để hưởng quyền lợi BHXH của mình.