Khó tiếp cận lao động phi chính thức

Như Hà

(Dân trí) - TPHCM có 2,3 triệu lao động tự do nhưng mới có 6.000 lao động tham gia các nghiệp đoàn do Công đoàn thành lập.

Khó tiếp cận lao động phi chính thức - 1

Các thành viên nghiệp đoàn Xe ôm tại Quận 2 (TPHCM) được tham gia bảo hiểm xã hội, được học võ để tự vệ và hỗ trợ cơ quan chức năng bắt trộm cướp, đảm bảo an ninh khu vực (Ảnh: X.H).

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TPHCM (LĐLĐ), đơn vị đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc là cầu nối giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động. LĐLĐ đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện quyền đại diện, bảo vệ hợp pháp cho người lao động kể từ khi thực hiện luật Công đoàn 2012.

Ở nhiệm kỳ 2018 - 2023, LĐLĐ thành phố đã phát triển 537.000 công đoàn viên, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu. Hơn 6.000 lao động phi chính thức cũng được Công đoàn kêu gọi hoạt động trong 123 nghiệp đoàn để hoạt động theo các lĩnh vực như: giúp việc gia đình, bán hàng rong, xây dựng, xe ôm công nghệ, sửa xe.

Dù vậy, LĐLĐ TPHCM vẫn nhận định chưa thể bao phủ hỗ trợ hết được lực lượng lao động trên địa bàn, nhất là đối với nhóm lao động phi chính thức. Việc tiếp cận nhóm lao động phi chính thức vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Khó tiếp cận lao động phi chính thức - 2

Cả nước hiện có khoảng 21,4 triệu lao động tự do nhưng 97,9% không tham gia bảo hiểm xã hội (Ảnh: Hải Long).

Theo số liệu thống kê, thành phố hiện có hơn 4,7 triệu lao động, trong đó, lao động phi chính thức chiếm 2,3 triệu người. Lao động phi chính thức gặp rất nhiều thiệt thòi khi khó tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh của thành phố.

Tại một hội nghị trước đó, báo cáo của LĐLĐ thành phố cũng nêu thực tế số lượng lao động phi chính thức ngày càng lớn. Thành phố đã và đang tìm mọi cách tiếp cận nhóm lao động này để hỗ trợ trong các quy định pháp luật và giải quyết tranh chấp khi có phát sinh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội để hướng đến lao động phi chính thức. Trong dự thảo sửa đổi Luật Việc làm, nhiều chính sách cũng được thay đổi để từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức và hỗ trợ nhóm lao động này tốt hơn.

Theo báo cáo Điều tra lao động - việc làm quý I/2022, cả nước có 21,4 triệu lao động phi chính thức với tỷ lệ 53% lao động làm công ăn lương. 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn. 70% lao động phi chính thức làm việc trong 0 nhóm ngành "Công nghiệp chế biến, chế tạo", "Xây dựng", "Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy".

Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, 97,9% lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội. Chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.