Kết duyên trên "tọa độ lửa", khóc với chuyện tình thanh niên xung phong
(Dân trí) - Cô dâu, chú rể đứng rất lâu trước ngôi mộ tập thể 13 thanh niên xung phong Truông Bồn, lắng nghe câu chuyện hạnh phúc lứa đôi chưa vẹn tròn của anh Hòa, chị Tâm...
1.240 người ngã xuống để bảo vệ cung đường dài 5km
Cuối tháng 10, nắng vẫn chan hòa cả Khu Di tích Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) - nơi đã từng là "túi bom", là "tọa độ lửa" trên tuyến đường tiếp viện 15A huyền thoại.
Màu đỏ của từng thước đất bị bom cày, đạn xới, màu đỏ của máu 1.240 cán bộ chiến sỹ bộ đội, dân quân, công nhân ngành giao thông, thanh niên xung phong đã ngã xuống, nay phủ một màu xanh mơn mởn sự sống.
Hơn 1.200 người đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại, đủ để hiểu cuộc chiến nối đường, giữ huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam dữ dội và khốc liệt như thế nào.
"Theo nhật ký đếm bom của đồng chí Nguyễn Thành Ất, có ngày, Truông Bồn gánh chịu đến 936 quả bom dội xuống", ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích Truông Bồn nói.
Trong mưa bom, bão đạn, trong sự sống và cái chết chỉ cách nhau vài giây, lực lượng TNXP Nghệ An vẫn bám đường, ngoan cường chiến đấu, bằng cuốc, bằng xẻng, bằng ý chí và lòng yêu nước.
Kẻ thù với máy bay, bom tọa độ, bom từ trường hòng xóa sổ con đường chiến lược này, nhưng rồi vẫn phải chịu thất bại trước sức mạnh phi thường của những cô gái, chàng trai tuổi 20...
Trong cuộc chiến đấu ấy, có những con người đã trở thành huyền thoại, có những cái chết đã hóa thành bất tử, như 13 chàng trai, cô gái Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép", Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An rạng sáng ngày 31/10/1968.
Họ đã mãi mãi nằm lại ở Truông Bồn, khi lệnh ngừng bắn hoàn toàn Miền Bắc chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là có hiệu lực. Nhiều người trong số họ đã có quyết định phục viên, đi học...
Tọa độ lửa năm xưa nay đã hồi sinh, trở thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử đấu tranh giữ nước ngoan cường của cả một thế hệ "chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi".
Đám cưới trên "tọa độ lửa"
Mỗi ngày, Khu di tích Truông Bồn đón tiếp nhiều đoàn khách về thăm viếng. Vào các dịp lễ lớn, nhất là những ngày cuối tháng 10, có ngày, đơn vị đón hàng ngàn du khách từ mọi miền cả nước.
Trưa ngày 26/10, trong dòng người về Truông Bồn, có một đoàn khách đặc biệt. Họ là gia đình chú rể Nguyễn Đình Vinh (SN 1993, quê Mỹ Sơn, Đô Lương) và cô dâu Hoàng Thanh Nga (quê Quảng Ninh).
Chú rể Đình Vinh chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, được nghe nhiều câu chuyện kể về cuộc chiến đấu bảo vệ cung đường huyết mạch 15A. Bởi vậy, trong ngày trọng đại của mình, tôi muốn cùng vợ và gia đình đến đây, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ các anh, các chị đã hi sinh để chúng tôi có được niềm hạnh phúc trọn vẹn hôm nay".
Chiếc váy cưới màu trắng dài khiến việc di chuyển có chút khó khăn nhưng cô dâu Thanh Nga cùng người thân đã tới dâng hương, dâng hoa tại khu tưởng niệm 1.240 liệt sỹ trước khi có mặt trước ngôi mộ chung của 13 TNXP "Tiểu đội thép".
Tiếng nữ thuyết minh viên như nghẹn lại: "Trận bom tàn khốc rạng sáng ngày 31/10/1968 đã khiến 13 chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội 2 chỉ cứu được Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nhờ một nòng súng trường nhô lên trong một căn hầm bị sập. Thân thể nhiều đồng chí khác đã tan hòa vào đất đá, cỏ cây...
Chị Nguyễn Thị Tâm quê Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cùng anh Cao Ngọc Hòa quê Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã yêu nhau 3 năm. Họ đã có quyết định phục viên, dự kiến về quê tổ chức lễ ăn hỏi, chuẩn bị làm đám cưới. Nhưng họ đã không bao giờ trở về, để lỡ một cuộc đưa dâu…".
Đôi mắt cô dâu Thanh Nga đỏ hoe khi nghe câu chuyện về đám cưới không thể diễn ra của hai người lính TNXP trên tọa độ lửa này. Những người con gái, con trai, trẻ hơn họ bây giờ, không tiếc máu xương, hi sinh hạnh phúc lứa đôi cho hòa bình, cho những tình yêu được ươm mầm hạnh phúc.
"Tôi mong rằng, tất cả mọi người yêu nhau đều đến được với nhau và đất nước luôn hòa bình, độc lập để ai cũng có được hạnh phúc lứa đôi vẹn tròn. Mong muốn hai vợ chồng chúng tôi sống với nhau hạnh phúc, đến đầu bạc, răng long", chị Nga tâm sự.
Theo ông Phan Trọng Lộc, thời gian qua, rất nhiều cặp đôi chọn Khu di tích Truông Bồn là điểm dừng chân trên đường rước dâu.
"Trong ngày trọng đại của mình, họ không quên những người đã ngã xuống hôm qua. Trong niềm hạnh phúc lứa đôi của mình, họ không quên những người đã hi sinh hạnh phúc riêng tư cho hòa bình hôm nay.
Tôi nghĩ rằng, những người trẻ, với lòng biết ơn ấy, sẽ biết sống tốt, sống hạnh phúc và trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và đất nước", Giám đốc Khu di tích Truông Bồn tâm sự.
Đoạn quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh cơ giới đi qua Truông Bồn khoảng 5km, nhưng chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, đã hứng chịu 2.692 quả bom các loại của giặc Mỹ. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành giao thông đã ngã xuống.
Ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ TNXP Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên tọa độ lửa Truông Bồn. Người trẻ nhất mới 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất vừa tròn 22 tuổi, chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc gia đình.