"Im lặng không là lựa chọn tốt để giải quyết bạo lực và xâm hại..."

(Dân trí) - Tỷ lệ bạo lực tình dục xảy ra với phụ nữ trong thời gian đại dịch Covid-19 tại khu vực thành thị chiếm 29,80%, cao hơn so với khu vực nông thôn là 24,2%.

Số liệu trên từ có kết quả nghiên cứu Tác động của Covid-19 tới bạo lực gia đình với phụ nữ tại Hà Nội. Đối tượng của nghiên cứu này là nhóm phụ nữ từ 18-60 tuổi, từng là nạn nhân của bạo lực gia đình (lạm dụng thể chất/tâm lý/tình dục) do chồng/bạn tình gây ra, trong quá trình xảy ra đại dịch.

Đây cũng là số liệu được đề cập tại Chương trình bồi dưỡng chuyên đề Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ Covid do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng ngày 24/12/2020.

Im lặng không là lựa chọn tốt để giải quyết bạo lực và xâm hại... - 1

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ LĐ-TB&XH - phát biểu tại chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định: "Một xã hội bình đẳng không tồn tại bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành, toàn thể cộng đồng cùng cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực".

Hiện nay, sự bất bình đẳng giới trong các cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, trong thực hiện chính sách đối với lao động nữ và ngay cả trong gia đình cũng khiến cho khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực chưa được thu hẹp.

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng được xem là những trở ngại lớn trong việc giảm bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

Đây vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm, nhiều nạn nhân vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo, nhất là khi người gây bạo lực, xâm hại chính là người thân của họ.

Im lặng không là lựa chọn tốt để giải quyết bạo lực và xâm hại... - 2

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định: "Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình và đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi được những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, trong công việc và ngoài xã hội".

"Chúng ta cần nhìn nhận công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh to lớn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm trong việc rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi toàn diện các chính sách, pháp luật liên quan; không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong gia đình và ngoài xã hội nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em gái.

Thứ trưởng Hà nhấn mạnh: "Phụ nữ cũng cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại hơn là lựa chọn cách im lặng".

Trong khuôn khổ Chương trình, ông Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Công ty tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống đã chỉ rằng, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ chính là nền tảng cho Bình đẳng giới.

Im lặng không là lựa chọn tốt để giải quyết bạo lực và xâm hại... - 3
Nhiều nội dung tập huấn sinh động về bình đẳng giới

"Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau. Được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng và gia đình. Được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Đó cũng chính là trọng tâm của công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ..." - ông Nguyễn Đức Nam nói.

Được biết, ngày 2/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện thành công các mục tiêu bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11-15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc.

Từ khi Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 và Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007 đến nay, công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực dựa trên cơ sở giới tại Việt Nam ngày càng được thể chế hóa và tiến hành thực hiện qua các Chiến lược, Chương trình hành động, Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội qua từng giai đoạn 10 năm và 5 năm trong mọi lĩnh vực.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 được triển khai với chủ đề: "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" với ý nghĩa là một chiến dịch truyền thông cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai kịp thời đến Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị.

Đồng thời, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid hiện nay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các khía cạnh của công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Chương trình đào tạo bồi dưỡng với chuyên đề "Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ Covid" nhằm cung cấp cho các cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và công chức, viên chức của các đơn vị thêm những góc nhìn về vấn đề bạo lực liên quan đến giới, đặc biệt là vấn đề bạo lực liên quan đến giới trong thời kỳ Covid, những khó khăn thách thức và cách giải quyết.