Hơn 40 tuổi vẫn đập đầu, cắt tay vì tuổi thơ làm "thị mẹt", "vịt giời"
(Dân trí) - Đã ngoài tuổi 40 nhưng những tổn thương xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ phải gánh khi ấu thơ vẫn gây ám ảnh, giày vò chị Nhân.
Sự ra đời của chị Nguyễn Ngọc Nhân, sống ở Hà Nội, trở thành nỗi thất vọng của bố mẹ khi đó là cô con gái thứ 3 của gia đình. Suốt tuổi thơ, ba chị em gái sống trong cảnh tủi hờn với những lời miệt thị kiểu "bầy thị mẹt", "đàn vịt giời" từ chính bố mẹ, người thân, họ hàng.
Ngày bé, Ngân thường xuyên nghe những lời xì xào, đả kích từ nhiều người nhằm vào bố mẹ mình vì chuyện không có con trai nối dõi. Vui vẻ thì người ta liệt bố mẹ Nhân vào nhóm "ông ngoại", chỉ được "chiếu dưới", nặng nề, ác ý thì đả kích, gợi ý bố chị nên ra ngoài tìm con trai.
Tất cả những cay cú, ấm ức đó, bố mẹ Nhân quay sang trút lên ba cô con gái, đặc biệt là cô út. Có lần uất ức, người mẹ nắm cổ áo Nhân giật mạnh rồi gào lên, đay nghiến: "Đồ vô tích sự! Sao mày không phải là con trai hả?".
Đến năm 38 tuổi, mẹ chị sinh con thứ 4, là con trai. Đón "đích tử", "đích tôn", cả nhà làm tiệc 40 năm đãi làng xóm.
Tưởng rằng gia đình đủ nếp đủ tẻ sẽ cân bằng, hài hòa hơn nhưng sự thật, việc đó khiến 3 chị em Nhân cảm nhận rõ nhất sự phân biệt đối xử, bất công của cha mẹ với các con. Tư tưởng xem trọng con trai và coi thường con gái của bố mẹ chị bộc lộ qua từng lời nói, qua miếng cơm, manh áo cho đến mọi quyết định của gia đình.
Thật khó tin, chị em Ngân khi ăn cơm có thể bị bố chặn đũa: "Con gái ăn gì lắm, tốn cơm gạo vô ích". Trong bữa ăn, các cô con gái luôn bị nhắc ăn ít thôi, ăn nhanh lên, ăn nhường em. Mọi đồ ăn, thức uống, bố mẹ chị chất hết vào bát cậu út. Chị Nhân nhớ như in, năm chị học lớp 4, chị gắp miếng thịt bò giữa mâm liền bị mẹ đánh tới tấp vào tay bằng đôi đũa bếp to, dài vì "ai cho gắp thịt trước em (trai)".
Tủi hổ, mặc cảm, bé Nhân khi đó cố quay mặt đi, mở căng mắt để ngăn nước mắt không trào ra. Từ ngày đó đến giờ, chị Nhân vẫn chưa từng đụng đũa, gắp thêm miếng thịt bò nào.
Có lần, chị gái chị Nhân bị bố lôi ra đánh vì để em trai đi bộ, không cõng em từ ngoài đồng về. Kể không xuể việc bố mẹ bắt chị em gái phải phục vụ em trai như người hầu. Khi chị em chơi đùa, cãi vã thì bất kể đúng sai, đòn roi trút lên đầu mấy cô con gái. Sự kỳ thị và miệt thị của chính bố mẹ đã gieo vào các cô con gái tiềm thức phải "biết thân biết phận".
Tuổi thơ của chị Nhân là những đêm khóc tức tưởi vì oan ức mà không biết kêu ai, gọi ai.
Cho đến giờ vẫn vậy, bố mẹ chị luôn cung phụng con trai bất chấp và luôn đòi hỏi con gái thì phải thế này thế kia.
Khi chị sinh hai con gái, mẹ suốt ngày đe: "Phải cố đẻ lấy đứa con trai, không chồng nó bỏ" và không ngừng thở dài dè bỉu, chê bai các cháu gái. Bà còn tuyên bố: "Mày đẻ được con trai, tao cho tiền nuôi".
Biết là không thể phán xét, ôm hận bố mẹ, chị Nhân luôn phải tự dặn bản thân giữ sự bình tâm, cố nói chuyện, thuyết phục mẹ rằng con nào cũng là con, đều dứt ruột đẻ ra, cảm giác ruột thịt như nhau. Nhưng chị chết điếng khi bà vặn vẹo: "Không đẻ được con trai thì đành nói vậy chứ gì?".
Hơn 40 tuổi, chị Nhân cho biết bản thân vẫn sống chung với những ký ức đau đớn từ tuổi thơ. Chị ám ảnh với những buồn tủi, sân hận đã trải qua, từng phải uống thuốc ngủ liều cao. Được chẩn đoán trầm cảm, nhiều đêm căng thẳng không ngủ được sau những lần "va chạm" với bố mẹ, người phụ nữ 40 tuổi ngồi đập đầu vào tường hoặc lấy lưỡi lam rạch tay để thấy dễ chịu hơn, bớt ức chế, áp lực hơn.
Cũng có người nói với chị kệ đi, đừng để ý đến ông bà là xong nhưng những tổn thương trong lòng như những vết cắt mãi không thể thành sẹo, không phải cứ nói "kệ đi" là sẽ lành.
Việc bố mẹ thiếu công bằng giữa các con, xem thường con gái khiến mối quan hệ hiện tại của các chị em chị với ông bà vẫn nhiều xung đột. Không chỉ vậy, chị Nhân rùng mình, vừa sợ, vừa giận chính bản thân vì phải thừa nhận mình không thể nào yêu thương bố mẹ, dù đã cố vận dụng mọi lý lẽ về đạo đức, bổn phận. Và điều đó đã hủy hoại chính cuộc đời chị.
"Tôi thương mình một thì thương hai chị gái của tôi mười. Tôi thấy bất công và phản kháng, còn hai chị, có thể vì bị bố mẹ áp đặt như vậy, mặc nhiên xem rằng con gái thì phải như vậy. Các chị tự xem thường bản thân, cũng suy nghĩ tương tự bố mẹ", người mẹ hai con nghẹn ngào.
Rồi những trải nghiệm đau đớn về tư tưởng trọng nam khinh nữ đó, người phụ nữ 40 tiếp tục nếm trải ở gia đình chồng, khi bản thân sinh hai con gái.
Mỗi lần nhà chị về quê, bố chồng thường xuyên nói với hai cháu gái: "Hai đứa đến nhà ông chơi là phải xin phép anh Thành nhé! Nhà này của anh Thành hết!". Thành là con của anh trai chồng chị, là cháu đích tôn của gia đình chồng. Không ít lần ông đã đuổi cháu gái xuống ghế ngồi, bảo đó là chỗ của cháu trai. Ngay tiền lì xì ông bà cũng phân biệt rõ ràng, cháu trai luôn nhiều gấp đôi cháu gái.
Để tài sản lại cho cháu họ vì không có con trai
Chị T.N.A, 36 tuổi, hiện đang sống ở TPHCM kể chuyện bố để lại tài sản cho cháu họ chứ không để cho con gái làm nhiều người ngỡ ngàng.
Khi mẹ chị sinh 3 cô con gái, bố chị đã xem như nhà này vô phúc, không có được người nối dõi. Tuổi thơ của chị A. và các chị em sống trong sự ghẻ lạnh, hắt hủi của chính bậc sinh thành. Hàng ngày, 3 cô con gái trong nhà phải đối diện với ánh mắt kinh thường, thất vọng của bố và sự uất ức, oán hận của mẹ.
Từ bé, chị A. đã nhiều lần chui xuống gầm giường, trốn ra phía sau vườn khóc khi bị đánh, bị chửi bới vì... là con gái. Cảm giác bố mẹ thất vọng về mình, mình về thất vọng về bản thân làm đứa trẻ ấy luôn giày vò, khổ sở.
Bố mẹ bắt chị gái đầu bỏ học từ năm lớp 8, đi làm kiếm tiền để phụ bố mẹ. Lần lượt đến tầm đó, hai cô con gái còn lại, ông bà cũng bảo "học vậy là đủ", bố mẹ hết trách nhiệm, cần sớm đi làm để tự nuôi thân. May thay, chị gái đầu làm mọi cách ngăn cản và nhận hết trách nhiệm nuôi hai em ăn học. Những năm tháng chị A. học ở Hà Nội đều từ đồng tiền mồ hôi nước mắt của chị gái.
Chị A. nghẹn ngào tiết lộ, chị gái đầu của mình sau này phát điên, nhiều lần phải ra vào bệnh viện tâm thần. Những lúc tỉnh, chị lại tủi hờn nhắc đến việc không được đến trường như bạn bè dù gia đình không phải đói khổ gì. Tình yêu thương, sự bù đắp của mấy chị em gái dành cho nhau không xóa hết những tổn thương do bố mẹ đối xử nhạt tình, tàn nhẫn.
Nhưng những hệ quả vẫn không thay đổi được suy nghĩ trọng nam khinh nữ của bố mẹ, họ luôn cho rằng cuộc đời bất hạnh vì không đẻ được con trai, những gì không may mắn đều do con gái mang đến. Cách đây hai năm, bố chị A. làm di chúc, để lại toàn bộ đất đai cho cháu trai là con của người anh trai vì đó mới là máu mủ, còn các con gái của mình "thập nữ viết vô" (có 10 con gái cũng bằng 0".
Chị A. cho biết, nhiều năm qua chị vẫn đều đặn gửi tiền biếu, phụng dưỡng bố mẹ nhưng chị tránh hết sức việc về quê. Về quê, hình ảnh chiếc gầm giường, chuồng heo chị từng trốn ra để khóc, tủi hổ lại hiện về. Về quê, chị lại nghe tiếng thở dài thất vọng vì không có người nối dõi của người bố gần 70 tuổi...
Chị cũng cố học cách thông cảm cho bố mẹ, ngăn chặn những nỗi sân hận âm ỉ trong lòng nhưng thông cảm không có nghĩa là những tổn thương sẽ mất đi. Chị đau khổ nhận ra, cả đời này sẽ không làm được những việc như chạy lao về ôm chầm bố mẹ hay nói lời yêu thương với ông bà...