Hơn 2.500 trẻ mồ côi vì Covid-19 và phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 cướp đi mạng sống của 22.000 nghìn người Việt, khiến hàng nghìn trẻ em phải chịu cảnh mồ côi. Giải quyết hậu quả này là một nội dung dành cho phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi đang trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và thời gian qua, việc này trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết ngày 21/10, đại dịch Covid-19 đã khiến 2.352 trẻ em lâm vào cảnh mồ côi, tập trung nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh (1.584 em) và một số tỉnh, thành phố phía Nam như: Bình Dương 233 em; Đồng Nai 121 em; Long An 85 em; Đồng Tháp 72 em; Tiền Giang 51 em; An Giang 35 em... Trong số này có 73 em mồ côi cả cha và mẹ, 2.279 em mồ côi cha hoặc mẹ.
Trước những thách thức to lớn của đại dịch và để đảm bảo vấn đề an sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, Chính phủ, các Bộ, trong đó có Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đi đầu trong công tác đảm bảo nơi ăn, chốn ở và ổn định tinh thần cho các em thiếu nhi.
Để hiện thực hóa chủ trương chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho trẻ em mồ côi, Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều chính sách như Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại Nghị quyết số 68/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ngày 23/9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh thành về việc nuôi dạy trẻ mồ côi, trong đó nêu rõ 6 vấn đề mấu chốt như ưu tiên nuôi dưỡng trẻ trong môi trường gia đình, khuyến khích xã hội hóa công tác chăm sóc, nhận con nuôi các trẻ mồ côi dựa trên nguyện vọng của các em và gia đình các em.
"Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc ở môi trường thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em", văn bản Bộ LĐ - TB&XH nêu.
Ngày 16/10, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7538/VPCP-KGVX ngày 16/10/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), bên cạnh việc rà soát các trường hợp, phải đề xuất giải pháp trong thời gian tới, để không trẻ mồ côi nào thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ.
Với phương châm không để trẻ mồ côi nào thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã vận động các nhà tài trợ đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Tính đến ngày 18/10, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,78 tỷ đồng cho 1.556 em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/em.
Ngoài kinh phí hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ tiền mặt và hiện vật cho 12.800 em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Thời gian tới, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố triển khai hỗ trợ cho trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 với định mức: 5 triệu đồng mỗi em mồ côi cha hoặc mẹ; 20 triệu đồng mỗi em mồ côi cả cha và mẹ.
Dự kiến, đến hết ngày 31/12, sẽ có 2.500 em mồ côi do dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với tổng kinh phí hỗ trợ trên 14 tỷ đồng. Đây là nguồn động viên, khích lệ, giúp các em có điều kiện khắc phục khó khăn trước mắt và là động lực để các em có niềm tin trong cuộc sống.
Hiện, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố con số hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 2.500 trẻ mồ côi do Covid-19.
Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh ban hành chính sách hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, phụ nữ mang thai, sinh con bị nhiễm Covid-19, nữ nhân viên y tế tuyến đầu, mẹ Việt Nam anh hùng... Nếu chính sách này được thông qua, chắc chắn những trẻ em chịu cảnh thiệt thòi bởi đại dịch sẽ có được nguồn động viên to lớn và nhận được sự quan tâm lớn hơn từ Nhà nước, các cơ quan chức năng.
Ngoài những chính sách của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chuyên môn của các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể, còn có nhiều cá nhân, nhà hảo tâm, chủ doanh nghiệp, doanh nhân lớn tham gia chung tay góp tiền, hiện vật và chủ động tham gia vào việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ mồ côi.