Hơn 230 tỷ đồng phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi khu vực miền núi

Trần Lê

(Dân trí) - Nhằm xây dựng các mô hình phát huy lợi thế, thu hẹp khoảng cách miền núi so với miền xuôi, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi… giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu đặt ra của Đề án phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 (Đề án) là hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của miền núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân miền núi so với miền xuôi.

Hơn 230 tỷ đồng phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi khu vực miền núi - 1

Mô hình chăn nuôi vịt tại xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: T.T).

Trong đó, đến năm 2025 phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi; tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.500 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Đối tượng tham gia mô hình sẽ được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của người dân; năng suất, số lượng, chất lượng các loại sản phẩm của mô hình; tình hình tiêu thụ và triển vọng thị trường đối với các loại sản phẩm từ mô hình; hiệu quả kinh tế của mô hình và khả năng giải quyết việc làm cho các lao động trên địa bàn.

Tổng số 33 đối tượng mô hình (13 đối tượng mô hình cây trồng, 6 đối tượng mô hình vật nuôi, 10 đối tượng mô hình dược liệu và 4 đối tượng sản phẩm đặc sản, lợi thế và chế biến) sẽ được lựa chọn.

Hơn 230 tỷ đồng phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi khu vực miền núi - 2

Theo Đề án của UBND tỉnh Thanh Hóa, có 6 đối tượng mô hình vật nuôi sẽ được lựa chọn (Ảnh: T.T).

Dự kiến vốn thực hiện Đề án là hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hơn 138 tỷ đồng; vốn địa phương hơn 13 tỷ đồng (huyện miền núi thấp tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí, huyện hỗ trợ 20% kinh phí; huyện miền núi cao tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí); vốn vay tín dụng chính sách hơn 78 tỷ đồng.

Dự kiến Đề án thực hiện thành công sẽ tạo sinh kế với giá trị hàng hóa giai đoạn 2022-2025 khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 1.000 tỷ đồng; góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương thông qua thuế; xây dựng thương hiệu và công nhận 11 sản phẩm OCOP trở lên; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc sản phục vụ du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch khu vực miền núi phát triển.

Về hiệu quả xã hội, tạo lan tỏa sâu rộng trên địa bàn 11 huyện miền núi, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân; giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 3.500 người, tăng thu nhập, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn; phát triển dược liệu và nguồn nông sản sạch giúp tăng cường sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất, kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao vào địa bàn các huyện miền núi.

Ngoài ra, các mô hình thực hiện theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn, góp phần thay đổi thói quen và kỹ thuật sản xuất dựa vào hóa chất, qua đó giảm tác động xấu đến môi trường. Nhờ kinh tế phát triển, làm giảm áp lực xâm hại tài nguyên rừng từ phía người dân.

UBND cấp huyện được giao làm chủ đầu tư các dự án, kế hoạch liên kết có hoạt động sản xuất phạm vi trong huyện. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư các dự án, kế hoạch có hoạt động sản xuất trong phạm vi liên huyện.

Hơn 230 tỷ đồng phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi khu vực miền núi - 3

Đề án nhằm giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 3.500 người, tăng thu nhập, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn... (Ảnh: T.T).

Các đơn vị chủ đầu tư dự án, kế hoạch liên kết có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Đề án và chính sách, pháp luật có liên quan. Tổ chức thực hiện lựa chọn dự án, kế hoạch liên kết theo trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định.

Ban Dân tộc Thanh Hóa được giao là cơ quan thường trực thực hiện Đề án; các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp để thực hiện quản lý nhà nước, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nội dung của Đề án; UBND các huyện vùng Đề án phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án.