Hơn 2.000 trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại mỗi năm
(Dân trí) - Đây là số liệu được đưa ra tại lễ hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái được tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng nay (7/10).
Sáng 7/10, tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An), Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh này đã tổ chức lễ hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái (11/10). Ngày 11/10 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thống nhất chọn là Ngày quốc tế trẻ em gái kể từ năm 2011.
Theo báo cáo tại buổi lễ, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ bị tổn thương về thể chất mà các em phải sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi.
Một nguy cơ cũng nghiêm trọng không kém đó là nạn bạo lực cả thể chất lẫn tinh thần mà trẻ em gái đang phải gánh chịu. Nạn bạo lực cả thể chất lẫn tinh thần, nhất là với những gia đình còn mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... khiến các em có xu hướng trầm cảm; tuổi thơ bị tổn thương tâm lý thì khi lớn lên các em rất khó hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, bạo lực trên cơ sở giới còn thể hiện ở tình trạng nạo, phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng. Theo dự báo, sau 20 năm nữa, sẽ có 2,3 - 4 triệu nam thanh niên Việt Nam khó có khả năng lấy được vợ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An - khẳng định: Trong thời gian qua, công tác chăm sóc trẻ em gái được các sở, ngành, tổ chức đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là đối tượng đang phải đối diện với nhiều nguy cơ như xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn.
Giải quyết những vấn đề thách thức đang đặt ra đối với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa... cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Tăng cường công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em gái trong thời gian tới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm; các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em gái vào hoạt động phạm pháp cần phải lên án và xử lý nghiêm minh.
Với chủ đề "Dịu dàng con gái - Chắp cánh ước mơ", lễ hưởng ứng năm nay được gắn với chương trình truyền thông giao lưu về tìm hiểu kiến thức mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới cho học sinh bậc THCS tại huyện Quỳ Châu.
Thông qua chương trình giao lưu, các em được nâng cao nhận thức về giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái; động viên, khuyến khích trẻ em gái tự tin, vươn lên thực hiện quyền bình đẳng trong tương lai.