Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Hơn 150 tỷ đồng hỗ trợ huyện nghèo ở Thanh Hóa phát triển kinh tế
(Dân trí) - Nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện nghèo Mường Lát (Thanh Hóa) có những chuyển biến rõ nét.
Thông tin từ UBND huyện Mường Lát, địa phương được phân bổ hơn 150 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1 (năm 2021-2025). Trong đó vốn đầu tư là 88 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 61 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, huyện Mường Lát đã bố trí nơi ở ổn định cho 126 hộ dân tại bản Ún, xã Mường Lý với tổng mức đầu tư 37,6 tỷ đồng.
Thời gian qua, địa phương cũng thực hiện các dự án hiệu quả, điển hình như dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, huyện Mường Lát đã mở 44 lớp dạy nghề thu hút gần 900 học viên tham gia. Các lớp dạy nghề gồm đan lát thủ công, dệt thổ cẩm, trồng cây dược liệu, chăn nuôi thú y…
Thông qua các lớp học bà con sẽ được trang bị đầy đủ những kiến thức về nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, các kỹ năng cơ bản vận dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.
Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chương trình trên địa bàn huyện Mường Lát đã có nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc được đầu tư. Các công trình thiết yếu như công trình cấp nước sinh hoạt, cứng hóa đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa - khu thể thao…
Cũng bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, UBND huyện Mường Lát đã thực hiện phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện trên địa bàn có 57/57 cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.