1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hơn 100 tỷ đồng thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

Duy Tuyên

(Dân trí) - Sau 5 năm thực hiện, tại Thanh Hóa đã triển khai 224 Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện là hơn 100 tỷ đồng, gồm cả nguồn đối ứng của người dân.

Theo ông Lê Minh Hành, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội Thanh Hoá, trong thiết kế của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 có 5 dự án thành phần, thì có đến 3 dự án liên quan đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo có được sinh kế và việc làm bền vững (thông qua hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật chăm sóc và các hỗ trợ khác có liên quan).

Điều này không chỉ thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước là “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mà còn là thực hiện cam kết của Việt Nam về các mục tiêu thiên niên kỷ với quốc tế.

Hơn 100 tỷ đồng thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo - 1
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành có liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ nguồn vốn của Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và có văn bản hướng dẫn các địa phương, nhằm tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, để phát huy được lợi thế của địa phương, thay đổi tư duy của cộng đồng và hộ nghèo.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện 224 Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là hơn 100 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn đối ứng của người dân, riêng vốn ngân sách gần 70 tỷ đồng).

Thông qua Dự án này đã giúp 2.005 hộ thoát nghèo, trong đó nhiều hộ vươn lên có điều kiện kinh tế khá, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất và quay lại hỗ trợ hộ nghèo khác cùng phát triển kinh tế.

Từ việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức, trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì, phát triển nguồn vốn được hỗ trợ.

Dự án còn giúp người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Sự quan tâm vào cuộc của chính quyền, địa phương có nơi chưa cao; sự chủ động của người dân khi tham gia dự án còn thấp; việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ cơ chế đối ứng và thu hồi chưa được quan tâm; việc khảo sát, lựa chọn mô hình thực hiện dự án chưa chính xác dẫn tới trong quá trình triển khai có đơn vị còn đề nghị thay đổi mô hình...

Hơn 100 tỷ đồng thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo - 2
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện dự án tại địa phương mình.

Ngoài ra, cùng song song thực hiện mô hình này, trên địa bàn còn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cùng đối tượng, cùng mức hỗ trợ, nhưng không phải thực hiện cơ chế thu hồi. Những hạn chế trên đã làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tại Hội nghị, ngoài việc đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các đại biểu đã chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về những cách làm hay, mới trong quá trình thực hiện Dự án tại địa phương.

Đồng thời, các đại biểu cũng đã đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những khó khăn, vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện mô hình giai đoạn vừa qua; từ đó tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện cho giai đoạn tới, góp phần giảm nghèo bền vững.