1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hoa khôi trắng tay khi ly hôn sau chục năm làm "ô sin" cho nhà chồng

Hoài Nam

(Dân trí) - Chị ra đi với một bàn tay không, tay bên kia kéo chiếc vali bên trong chỉ có vài bộ quần áo đã cũ, là tài sản còn lại của 10 năm thanh xuân trong cuộc hôn nhân, con cũng phải để lại.

Nhật báo SCMP đưa tin một phụ nữ ở Trung Quốc nhận được 30.000 tệ (hơn 100 triệu đồng) tiền bồi thường vì làm mẹ, làm vợ, làm việc nhà toàn thời gian suốt cuộc hôn nhân 7 năm. Sự việc dấy lên cuộc tranh cãi về vai trò, giá trị của người phụ nữ ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy con sau khi kết hôn. 

Chưa bàn con số trên là mức "lương đền bù" bèo bọt hay xông xênh nhưng nó cũng cho thấy một thực tế, đúng với cả Việt Nam, rất nhiều phụ nữ trắng tay khi ly hôn vì ở nhà làm nội trợ, tập trung nuôi dạy con. 

"Đến miếng băng vệ sinh cũng là tiền nhà chồng" 

Nhắc lại câu chuyện của chính mình, chị Ngọc Trần, 39 tuổi, là hoa khôi của trường thời là sinh viên đại học, hiện làm chủ một tiệm bánh ngọt bán online ở Gò Vấp, TPHCM vẫn nghẹn đắng. 

Hoa khôi trắng tay khi ly hôn sau chục năm làm ô sin cho nhà chồng - 1

10 năm trong cuộc hôn nhân của mình, chị Ngọc làm việc hơn cả một ô sin nhưng... không có lương (Ảnh minh họa).

Trước khi cưới chồng vào năm 26 tuổi, chị làm kế toán tại một  bệnh viện quốc tế. Sau lễ cưới, chị về sống ở nhà chồng có bốn người, gồm bố mẹ và cậu em trai chồng.

Năm đầu tiên vừa xoay xở việc nấu ăn, dọn dẹp, phục vụ trong gia đình 5 người vừa đi làm chị đuối nhưng chưa từng nghĩ đến bỏ việc. Cho đến khi sinh con, nhiều lần thuê giúp việc nhưng không được, cả nhà động viên chị nghỉ việc. Chị đi làm lại được một hai tháng sau kỳ thai sản rồi đành nghỉ vì không ai trông con. 

Trong nhà mọi người đều đi làm, chỉ có bố chồng mới về hưu nhưng sinh hoạt hàng ngày của ông là đi bộ, tụ họp uống cà phê chơi cờ đầu hẻm, về nhà chỉ ăn và ngủ. 

Một mình chị vừa chăm con nhỏ, xoay xở cơm nước cho cả nhà. Mọi việc giặt giũ, dọn dẹp, mua sắm... dần dần mọi người mặc nhiên xem là việc của người ở nhà. Trước đây, khi chị đi làm, mẹ chồng còn cùng nấu ăn, rửa chén bát, đi chợ nhưng giờ ăn xong, tất cả cùng đứng dậy. 

Có khi, chị nhắc chồng đi đổ rác, anh ta cũng nói: "Em đổ đi, anh đi làm về mệt". Tất cả mọi người đều có lý do "đi làm về mệt", trừ chị... 

Chị nghẹn ngào: "Nhiều lúc, họ còn giục tôi dọn dẹp nhanh lên để bế con. Ông bà, chú và cả bố chỉ chơi với cháu một lúc là thả hết đó cho mình". 

Vậy nhưng, điều khủng khiếp hơn cả việc làm "ô sin" cho cả nhà chồng là vấn đề tiền nong. Lúc trẻ, chị Ngọc có tiền tiết kiệm, thêm của hồi môn gần 300 triệu đồng. Nhưng nhiều lần sửa sang nhà cửa nhà chồng, chị bỏ hết sạch vào đó, chỉ còn giữ đôi bông tai 2 chỉ vàng kỷ niệm cưới mà sau này chị cũng phải đem bán. 

Hoa khôi trắng tay khi ly hôn sau chục năm làm ô sin cho nhà chồng - 2

Không trực tiếp làm ra tiền, nhiều lần chị phải ngửa tay xin chồng (Ảnh minh họa).

Chồng chị làm quản lý ở công ty điện máy, thu nhập cao nhưng rất chặt chẽ, mỗi tháng đưa vợ 10 - 15 triệu đồng tùy thời điểm, 3 người lớn còn lại trong nhà góp thêm 10 triệu đồng cho toàn bộ chi tiêu. Là người giỏi vun vén nhưng chị Ngọc cũng mệt mỏi trong chi tiêu để xoay sao cho đủ, nhất là qua những đợt bão giá.

Nhiều năm liền, chị gần như không mua sắm cho bản thân. Vậy nhưng, nhìn một cục tiền hàng tháng, nhà chồng vẫn nói chị tiêu hoang, cho rằng ăn uống trong nhà thì hết bao nhiêu. 

Chị Ngọc kể với phóng viên: "Bữa cơm nào hơi vơi đồ ăn, cả nhà nhìn tôi ngao ngán. Bố chồng hỏi: "Tiền đưa để đâu hết?". Hôm nào mọi người về, tôi chưa kịp rửa chén, lau nhà lại nghe: "Cả ngày ở nhà làm gì mà không dọn?" 

Có lần chị uất ức trao đổi chuyện tiền nong, phân chia việc nhà, mẹ chồng chị buông lời: "Đến miếng băng vệ sinh của con dùng cũng nhà chồng lo đấy!". 

Có mỗi bà chị gái chồng đã lập gia đình, cũng ở cùng nhà chồng, nhiều lần sang chơi có nhắc mọi người: "Cả nhà chia nhau làm việc nhà, dọn dẹp chứ không phải đổ hết lên đầu em dâu nhen". Chị Ngọc ở trong bếp rửa chén, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài. 

Nhìn chị hàng ngày ở trong nhà chồng mặt phố rộng mênh mông, lên xe hơi xuống xe hơi, không ai biết được thảm cảnh bên trong. Trong mắt nhà chồng, dù chị gánh hết mọi việc nhà thì chị vẫn là kẻ ăn bám. 

Chi tiêu cho cá nhân, chị nhịn được nhưng tết nhất hay lúc bố mẹ ruột ở quê ốm đau cũng cần lo toan, chị lại phải xin... tiền chồng. Bị mọi người xem như "ký sinh trùng" cùng cảm giác mình là người phụ thuộc, chị ngày càng bất ổn.

Chị oán trách chồng, bố mẹ chồng, luôn cả em chồng. Có khi mất kiểm soát chị đánh và hét vào mặt con nhỏ mới 5 tuổi: "Vì mày mà tao ra nông nỗi này". 

Sợ đi làm trở lại 

Tâm lý bất ổn ở chị Ngọc còn vì ở nhà nhiều năm, chị mất kết nối với bên ngoài, mọi giao tiếp gần như chỉ qua mạng xã hội. Chị thấy mình trở nên lạc hậu, chậm chạp. Một áp lực vô hình đè nặng làm chị rất sợ đi  làm trở lại. Chị đã gửi hồ sơ xin việc một vài nơi nhưng không dám đến phỏng vấn. 

Hoa khôi trắng tay khi ly hôn sau chục năm làm ô sin cho nhà chồng - 3

Nhiều năm trở nhà cặm cụi với bếp núc, con cái, chị thấy mình trở nên chậm chạp, lạc hậu và sợ đi làm trở lại (Ảnh minh họa).

Có đợt, chị lén làm giúp việc theo giờ trong chung cư để thấy mình... còn làm được việc và còn kiếm được tiền. 

Phía nhà chồng phản đối kịch liệt khi nghe ý định đi làm lại của chị. Một mặt họ nói "nhà có để con thiếu thốn đâu" nhưng một mặt lại xem chị là kẻ vô dụng. 

Không đi làm, không tự chủ được tài chính, chị Ngọc yếu thế trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình chồng. Chị đã nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn nhưng sợ không biết bắt đầu lại như thế nào, sợ phải xa con. 

Tròn 10 năm ngày cưới, vào cuối 2018, sau nhiều lần từng nghĩ đến việc tự tử, chị Ngọc quyết định ly hôn. Khi bố mẹ chồng khuyên can, anh chồng còn thách thức: "Để xem nó lấy gì sống!" 

Chị ra đi với một bàn tay trắng, bàn tay bên kia kéo vali bên trong chỉ có vài bộ quần áo đã cũ là tài sản còn lại của 10 năm thanh xuân trong cuộc hôn nhân, con cũng phải để lại. 

Chị so sánh mình không bằng "ô sin" bởi người bà con của chị gần 60 tuổi, đi giúp việc ở Quận 2, lương mỗi tháng 8 triệu, mỗi năm cả thưởng là nắm trọn 100 triệu đồng. Trong khi công việc một là chỉ làm việc hoặc chỉ chăm trẻ nhỏ chứ không "ôm hết" như chị. 

Chị Ngọc thuê một phòng trọ giá 2,5 triệu đồng cả điện nước. Chị gái chồng trả giúp 3 tháng tiền trọ và cho chị mượn thêm ít tiền mua máy móc, nguyên liệu liệu làm bánh để mưu sinh. 

Trong căn phòng trọ hơn 10m2 đó, chị được sống bằng chính đồng tiền mình làm ra mà không phải nai lưng ra hầu hạ cả một đại gia đình.

Chị có tài làm bánh, từng bước một đã có thu nhập. Sau đó, chị còn nhận dạy làm bánh tại một thương hiệu có tiếng với mức lương ổn. 

Chỉ hơn một năm sau, chị rời căn phòng trọ ẩm thấp, chuyển sang thuê một căn hộ rộng rãi hơn và đang tính đến việc mua nhà trả góp. Cũng thời điểm đó, sau thời gian chịu đựng, nhẫn nhịn, chăm chỉ kiếm tiền, chị giành được quyền nuôi con gái khi nhà nội "trả" vì... không chăm nổi. 

Hoa khôi trắng tay khi ly hôn sau chục năm làm ô sin cho nhà chồng - 4

Trước khi ly hôn, người vợ từng rơi vào trầm cảm... (Ảnh minh họa).

Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian 10 năm hôn nhân, chị Ngọc vẫn trào nước mắt.... bởi những giá trị mình tạo ra trong gia đình không được ghi nhận mà còn bị chà đạp. 

Chị càng thấm thía khi nghe chia sẻ của một chuyên gia tâm lý, phụ nữ dù làm vợ, làm mẹ cũng nhất định cũng phải giữ cho mình công việc, phải trực tiếp kiếm ra tiền. Không chỉ để phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn để chủ động trước những bất trắc. 

Bởi làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà là công việc vô cùng nặng nề, áp lực, chiếm toàn thời gian nhưng... chưa được trả công xứng đáng cả về mặt tiền bạc lẫn sự ghi nhận. 

 Kết quả nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) tại TPHCM gần đây cho thấy CVCSKL (gồm công việc nội trợ như nấu ăn, dọn vệ sinh; chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật; công việc họ hàng và tình nguyện cộng đồng như thăm nom, hiếu hỷ họ hàng không được trả lương...) được xem là việc của nữ giới là chính, là trách nhiệm của cánh phụ nữ trong gia đình. 

Có đến có đến 61% nữ và 59% nam tham gia khảo sát cho rằng đó là việc của nữ giới. 

Gần 50% phụ nữ cũng chia sẻ, họ phải làm việc nhà vì... không ai làm. Chỉ có 30,5% phụ nữ thực hiện những công việc này vì yêu thích. Đôi khi họ làm việc nhà vì yêu cầu của người khác như bố mẹ, từ chồng khi mặc định đây là việc của phụ nữ. 

Một vấn đề đáng chú ý, việc nhận thức về đóng góp của CVCSKL cho xã hội chủ yếu dừng ở khía cạnh phụ nữ với việc chăm lo cho gia đình, hầu hết không có ý kiến đề cập đến sự đóng góp cho kinh tế (GDP) của đất nước.