Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng:

Hỗ trợ đến đúng lúc nghề chính "đóng băng", nghề phụ chẳng thể làm

Tiến Thành

(Dân trí) - Số tiền hỗ trợ theo NQ 68 đến đúng thời điểm giãn cách xã hội đã góp phần giảm bớt nỗi lo về chi phí sinh hoạt trước mắt cho nhiều HDV du lịch trong lúc nghề chính "đóng băng", nghề phụ chẳng thể làm.

Hơn 40 hướng dẫn viên được hỗ trợ

Ngày 3/9, theo thông tin từ đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, sau khi UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ các hướng dẫn viên (HDV) du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23), Sở này đã khẩn trương triển khai các thủ tục chi trả đến từng người.

Trong đợt đầu này, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tiến hành chi trả hỗ trợ theo NQ 68 cho 44 HDV du lịch với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người. Tổng kinh phí hỗ trợ là 163.240.000 đồng.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Bình đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại nhiều địa phương, Sở Du lịch Quảng Bình đã tiến hành các thủ tục và chi trả hỗ trợ cho HDV bằng hình thức chuyển khoản.

Là một trong 44 HDV du lịch đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình được nhận chi trả hỗ trợ theo NQ 68, Nguyễn Thị Hà, trú phường Hải Thành, TP Đồng Hới vô cùng phấn khởi.

Do vợ chồng đều hoạt động trong ngành du lịch nên trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống gia đình chị gặp muôn vàn khó khăn. Chị đã cố gắng tìm thêm việc làm khác nhưng cũng vô cùng chật vật, không đủ chi tiêu.

Theo chị Nguyễn Thị Hà, sự hỗ trợ theo NQ 68 không chỉ mang lại cho các lao động phải tạm ngừng việc có thêm một phần kinh phí để trang trải cuộc sống mà còn tạo động lực để vượt qua khó khăn trước mắt. Qua đây, cũng thấy rõ sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đối với đội ngũ HDV du lịch.

"Tôi thực sự rất vui khi mới đây được nhận số tiền hỗ trợ gần 4 triệu đồng từ Chính phủ. Số tiền này càng có ý nghĩa lớn với gia đình tôi khi một tuần qua, TP Đồng Hới nơi tôi sống bị phong tỏa, vợ chồng phải ở trong nhà không thể đi làm thêm được việc gì. Số tiền này đã giúp tôi bớt được nỗi lo kinh phí chi tiêu trong những ngày giãn cách", nữ HDV tâm sự.

Hỗ trợ đến đúng lúc nghề chính đóng băng, nghề phụ chẳng thể làm - 1

Dịch Covid-19 thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các HDV du lịch.

Tạo động lực vượt khó 

Còn với chị Trần Thị Ngọc Thúy, một HDV du lịch khác tại Quảng Bình, từ tháng 3/2020 đến nay gần như không có việc làm. Để có tiền chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày, chị đã đi phụ làm thêm với bạn. Tuy nhiên, khi TP Đồng Hới thực hiện giãn cách, chị cũng mất luôn nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc làm thêm đó.

Giữa lúc chưa biết phải xoay xở thế ra sao, chị Trần Thị Ngọc Thúy đã vui mừng nhận được khoản tiền hỗ trợ từ NQ 68 và được Sở Du lịch tỉnh chuyển tiền thẳng vào tài khoản cá nhân. Có thể nói, số tiền hỗ trợ đến vào thời điểm vô cùng quan trọng, kịp thời để nữ HDV đảm bảo cuộc sống trong thời điểm giãn cách xã hội.

"Tôi đang phải thuê trọ tại TP Đồng Hới, vì giãn cách nên chẳng thể về quê. Nghề chính thì "đóng băng", nghề phụ chẳng thể làm để có thu nhập. Giữa lúc khó khăn nhất, tôi đã nhận được số tiền 3,71 triệu đồng hỗ trợ. Nhận tin nhắn báo có tiền về tài khoản mình mừng lắm", chị Trần Thị Ngọc Thúy tâm sự.

Hỗ trợ đến đúng lúc nghề chính đóng băng, nghề phụ chẳng thể làm - 2

Quảng Bình hiện có khoảng 15 ngàn lao động hoạt động trong ngành du lịch.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Xuân Quang, Chánh Văn phòng Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình thông tin, đơn vị đã tuyên truyền rộng rãi chính sách của Chính phủ đến các đơn vị lữ hành du lịch, các HDV để họ nắm bắt, làm thủ tục để được hỗ trợ kịp thời.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị, Sở Du lịch Quảng Bình sẽ tiến hành tổng hợp và trình lên UBND tỉnh để phê duyệt. Hiện Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cũng đang tiếp tục hướng dẫn cho các HDV khác hoàn tất hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian tới.

Quảng Bình là một địa phương xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và hiện có khoảng 15 ngàn lao động hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên dịch Covid-19 khiến thu nhập của lao động ngành này hết sức bấp bênh. Vì vậy, chính sách hỗ trợ từ NQ 68 của Chính phủ không chỉ giảm bớt khó khăn cho các HDV nói riêng và lao động ngành du lịch nói chung mà còn là sự động viên tinh thần vô cùng to lớn, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới việc làm, đời sống người lao động ngành du lịch.