Hàng nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19: "Bố mẹ đột ngột mang yêu thương đi mất"!

(Dân trí) - "Trẻ mồ côi trong đợt dịch Covid-19 rất đau khổ vì bố mẹ rời đi là đi luôn, không lời từ biệt, nhắn nhủ! Bố mẹ ra đi, mang theo cả tình thương yêu cho các con đi mất!", TS Khuất Thu Hồng nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về chuyện 1.500 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 ở TPHCM cần nơi nương tựa và đề xuất xây trường để nuôi 1.000 trẻ của doanh nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phân tích các khía cạnh về phát triển của các trẻ mồ côi cũng như giải pháp hài hòa cho xã hội.

Hàng nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19: Bố mẹ đột ngột mang yêu thương đi mất! - 1

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Ảnh: Mặt trận tổ quốc Việt Nam).

- Thưa TS Khuất Thu Hồng, vừa qua, thông tin doanh nhân Trương Gia Bình  đề xuất xây trường, nhận nuôi 1.000 trẻ em mồ côi do Covid-19 đã nhận được nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn cũng như dư luận xã hội. Là người nghiên cứu nhiều năm về vấn đề quan hệ xã hội, hòa nhập xã hội với những đối tượng đặc biệt, quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

- Việc doanh nhân Trương Gia Bình có nghĩa cử nhận nuôi 1.000 trẻ em mồ côi rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng, để trẻ em sống trong môi trường gia đình là cách tốt nhất với trẻ.

Gia đình là nơi có giao tiếp gần gũi, có người thân, có những quan hệ đặc biệt như anh em, họ hàng thân thuộc... là những mối quan hệ xã hội không thể thiếu với mỗi người.

Việc tách biệt các em khỏi gia đình chỉ nên xem xét trong trường hợp bất khả kháng. Ưu điểm giáo dục ở nhà trường là các em có bạn bè, thầy cô nhưng khi trẻ em lớn lên, các em cần có kỹ năng giao tiếp, bắt đầu từ môi trường gia đình. Gia đình là môi trường tốt nhất cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ những năm đầu đời, bởi hơn hết tình thương của người thân sẽ tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ hiện tại và mai sau.

Các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm nếu có thể thì nên hỗ trợ tiền cho cháu đi học, nhận vào các trường học miễn phí khi các em đủ tuổi đến trường, tài trợ các gia đình nhận nuôi trẻ nếu họ khó khăn về mặt tài chính.

Đứng về phương diện quản lý Nhà nước, chăm sóc, nuôi trẻ theo hình thức tại nơi tập trung, tại trường học dễ hơn là quản lý hàng trăm, hàng nghìn gia đình, nơi trẻ sinh sống, trưởng thành. Nhẹ việc hơn cho người quản lý nhưng đây không phải là phương án tốt nhất cho các cháu.

Sống ở môi trường xa lạ, không có bố mẹ ngay từ tấm bé là nỗi thiệt thòi lớn cộng thêm với các cháu, sau nỗi đau mồ côi, cho dù ở đó các cháu có thể được học hành, có điều kiện vật chất đảm bảo. Như vậy, xét về mặt kỹ năng và tình cảm, chắc chắc ở những trẻ này sẽ có phần thiếu hụt. Nhà nước, xã hội nên có giải pháp khắc phục, không để các em mất đi tuổi thơ bình thường, thiếu thốn tình thân, có thể dẫn đến những ảnh hưởng về tư tưởng, tình cảm.

- Được biết, việc nuôi dạy hơn 1.000 trẻ mồ côi tại FPT City Đà Nẵng, như dự kiến, là áp dụng theo mô hình trường "thiếu sinh quân". Mô hình này cụ thể như thế nào, kinh nghiệm áp dụng ở các nước ra sao, thưa TS?

- Trên thế giới có nhiều hình thức nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như làng/trại trẻ mồ côi, trường tôn giáo, trường nội trú... nơi tổ chức cho các bé sống và học tập tập trung...

Hàng nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19: Bố mẹ đột ngột mang yêu thương đi mất! - 2

Các chuyên gia kiến nghị cần có kế hoạch nuôi dạy trẻ em mồ côi, cụ thể từ vật chất tới tinh thần để các em không bị tổn thương.

Tuy nhiên, đối với trẻ em, môi trường học nội trú hay "thiếu sinh quân" như phương án được đề cập có cả ưu điểm và hạn chế. Trong trường hợp phải lựa chọn cho các em ở tập trung thì cũng cần thiết xác định những hạn chế của mô hình đó, có hướng khắc phục để các em không chịu tổn thương thêm, dẫn đến những khó khăn với việc hòa nhập cộng đồng, mặc cảm sau khi trải qua biến cố lớn.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ tuổi, việc phải sống tập trung, nội trú ở các trường sẽ rất tội, cho dù về vật chất, các em có thể được chăm sóc rất tốt, thậm chí tốt hơn nhiều so với gia đình. Rõ ràng, về mặt tình cảm, kỹ năng sống, môi trường gia đình vẫn là yếu tố khó có thể thay thế.

Theo tôi, với việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ em mồ côi do đợt dịch Covid-19 này, lý tưởng nhất vẫn là tìm kiếm người thân nuôi dưỡng hoặc tìm kiếm gia đình nhận con nuôi để chăm sóc các em. 

Nếu có thể, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm như lãnh đạo FPT hoàn toàn có thể nhận, cho các cháu vào học miễn phí tại các cơ sở trên địa bàn trẻ sinh sống, nếu các cháu có nhu cầu.

- Như phân tích của bà, vai trò của nhà nước như thế nào đối với các hoạt động chăm sóc, bảo trợ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như này để vừa đảm bảo nhu cầu "ăn no, mặc ấm" vừa hỗ trợ tinh thần, giúp trẻ vượt qua cú sốc quá sức chịu đựng khi mất đi cha/mẹ - những người thân yêu nhất?

- Lựa chọn phương án nào với mỗi trẻ trong trường hợp này đều phải chuẩn bị rất kỹ. Nếu để các em sống trong môi trường "mái ấm" tập trung thì trước hết là quản lý điều kiện về cơ sở vật chất một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu "bữa ăn, giấc ngủ" trẻ. 

Ngoài ra, khi trẻ em đang có bố mẹ mà gặp biến cố, khiến các em thành mồ côi, cơ sở nuôi dưỡng cần có đội ngũ tư vấn viên về dinh dưỡng, tâm sinh lý và bác sĩ tâm lý để hỗ trợ các em... Với một trường học có quy mô nuôi dưỡng, chăm sóc tới hơn 1.000 trẻ em, phần nhiều ở độ tuổi còn nhỏ, lại chịu tổn thương quá lớn, việc này đặc biệt quan trọng và không dễ để thực hiện. 

Trường hợp cho nhận con nuôi thì cũng như vậy, người/gia đình được giao nuôi dưỡng trẻ phải đảm bảo điều kiện để ổn định tinh thần, thậm chí điều trị tâm lý cho các bé. Đặc biệt, với những trẻ đã có nhận thức về bố mẹ, gia đình, nay bỗng nhiên mất đi người thân yêu nhất, chuyển sang ở giữa một gia đình xa lạ thì trẻ nào cũng có nhu cầu "tập" chấp nhận gia đình mới, cần có thời gian cho các con hòa nhập.

Để thực hiện được đủ những việc này, chúng ta cần cả xã hội chung tay, các doanh nhân, các mạnh thường quân tham gia cùng nhà nước đảm bảo việc chăm sóc các em.

- Theo quy định hiện hành, nhà nước có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, còn TS lại nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ của toàn xã hội?

- Tất cả chúng ta, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh các cháu bé đột ngột mất đi bố/mẹ hoặc cả hai, chỉ trong thời gian ngắn. Với bản thân trẻ, các em đang rất đau khổ vì bố mẹ "rời đi" là đi luôn, không kịp một lời từ biệt, nhắn nhủ! Bố mẹ ra đi, mang theo cả tình thương yêu cho các con đi mất!

Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm bù đắp sự thiếu thốn, thiệt thòi cho các em chứ.

Trước những cú sốc kinh khủng này của hàng nghìn trẻ em, nhà nước khó có thể lo ổn thỏa cùng lúc. Như vậy, cả xã hội phải cùng hỗ trợ toàn diện cả về vật chất, lẫn tinh thần để các con giảm bớt những mất mát, tổn thương, giúp chặng đường các con sắp tới .

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!