Hằng Du Mục ly hôn chồng sau thời gian bị bạo hành: Giọt nước mắt tràn ly!
(Dân trí) - Trước sự việc Hằng Du Mục ly hôn chồng vì bị bạo hành, nữ chuyên gia tâm lý bày tỏ sự đồng cảm, đồng tình vỡi nữ Tiktoker nổi tiếng vì người chồng từng nhiều lần đánh đập, đe dọa đến tính mạng cô.
Bị đe dọa tính mạng
Mới đây, sự việc Tiktoker Hằng Du Mục (tên thật là Nguyễn Thị Thái Hằng) ly hôn chồng thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Không ít người bày tỏ sự thương cảm cũng như phẫn nộ khi biết Hằng Du Mục bị bạo hành trong lúc sống chung với người đàn ông Trung Quốc này.
Đỉnh điểm, sáng 10/8, Hằng Du Mục đăng tải hình ảnh, video về việc cô bị chồng bạo hành đến mức thương tích khắp cơ thể, phải đến bệnh viện khâu vết thương suốt 3 giờ. Chồng của cô ngay sau đó đã bị cảnh sát khống chế.
Hôm 20/8, sau phiên tòa ly hôn, cô cũng cập nhật trên mạng xã hội, thông tin đã giành được quyền nuôi 2 con ruột và 2 người con riêng của chồng. Ngoài ra, cô để lại mọi tài sản cho chồng cũ nắm giữ, chấp nhận tay trắng bước ra khỏi cuộc hôn nhân.
Thực tế, đã có nhiều vụ ly hôn do bạo lực gia đình. Trong đó, có không ít nạn nhân chấp nhận ra đi tay trắng để đảm bảo an toàn tính mạng, đổi lại cuộc sống bình yên.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình. Trong đó, gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ tình trạng này.
Tính riêng tại Việt Nam, theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay nạn nhân bị bạo lực gia đình có 74% là nữ và 11% là trẻ em.
Trước sự việc này, chuyên gia tâm lý Hồng Hương, thường trực tại Thư Viện Lưu Trú - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho biết bà hoàn toàn đồng ý với quyết định của Hằng Du Mục. Bởi chồng của cô đã có sự lệch lạc về hành vi và tâm lý, dẫn đến việc đe dọa tính mạng của vợ mình.
Theo chuyên gia tâm lý, việc bị bạo hành trong thời gian dài trước hết sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất của nạn nhân. Về tâm lý, người bị bạo hành sẽ trở nên sợ hãi, trải qua lo lắng, tự ti và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Nếu diễn biến nặng, di chứng của bạo hành có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần nhất định.
"Hằng Du Mục dù bề ngoài tự tin nhưng thật ra lại rất tự ti và luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Khi bị lo lắng, cảm xúc con người sẽ dẫn đến căng thẳng. Nếu sự căng thẳng không được giải quyết thì sẽ dẫn tới căng thẳng mãn tính, sinh ra các rối loạn lo âu và có thể rơi vào trầm cảm", bà Hồng Hương nói.
Học cách bảo vệ bản thân
Lý giải về việc Hằng Du Mục lựa chọn bỏ lại tất cả tài sản, giành quyền nuôi con, bà Hương cho biết không chỉ riêng Hằng Du Mục mà những nạn nhân của bạo lực cũng sẽ hành động tương tự trong những khoảnh khắc ấy. Bởi họ chỉ mong được thoát thân, tìm sự an toàn cho bản thân.
Theo tháp nhu cầu của Maslow, con người phải được đáp ứng những nhu cầu cơ bản như ăn, uống, nghỉ ngơi, nơi ở, bài tiết, tình dục và kế tiếp là cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm… rồi mới có thể đòi hỏi đến những nhu cầu khác.
Nhưng lúc này, Hằng Du Mục đang bị rơi vào trạng thái không đạt được nhu cầu cơ bản nhất của con người, đó chính là được sống.
"Mạng sống của cô đang bị đe dọa, giống như khi bị cháy nhà, người ta chỉ mong chạy ra thoát thân chứ không quay vào lấy tài sản làm gì. Hằng Du Mục có lẽ đã cảm thấy bị đe dọa và có quyết định ly hôn từ lâu. Thời khắc cô bị hành hung, đe dọa mạng sống chính là giọt nước tràn ly, khiến cô quyết định ngay lập tức", chuyên gia tâm lý nói.
Ly hôn có thể là cái cớ ban đầu để nạn nhân cắt đứt mọi liên lạc với người bạo hành mình. Bà Hương chia sẻ rằng những nạn nhân bị bạo hành có thể sẽ trở nên cẩn trọng hơn đối với các mối quan hệ khác giới sau này.
Chuyên gia tâm lý thừa nhận sự thật đau lòng rằng có nhiều nạn nhân bị bạo hành nhưng không dám ly hôn hay tìm cách cứu lấy bản thân mình. Bởi họ nghĩ cho con, sợ không được chu cấp, không có ai nương tựa, sợ bị đe dọa…
"Thế nhưng, ngoài xã hội phần lớn là người tốt, hãy luôn tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy nên nhớ rằng mạng sống của mình là quan trọng nhất và không ai có quyền hủy hoại điều đó. Chỉ khi bản thân mình được an toàn thì mới có thể lo cho con, cho những người mà mình thương yêu.
Dù kết hôn hay chưa thì mỗi con người đều là cá thể độc lập, được pháp luật bảo vệ. Mọi người đều được quyền bình đẳng như nhau, nếu Hằng Du Mục có đơn kiện thì người chồng vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những nạn nhân bị bạo hành phải biết yêu bản thân mình và nhờ đến sự giúp đỡ từ Công an, Hội phụ nữ địa phương hoặc nhiều tổ chức xã hội khác", bà Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, chuyên gia tâm lý cho rằng người bị bạo hành cần xem lại nguyên nhân dẫn đến sự việc.
"Cần đặt câu hỏi liệu người bạo hành có đang bị vấn đề về tâm lý, cần được giúp đỡ không? Liệu nguyên nhân dẫn đến việc mình bị bạo hành xuất phát từ bản thân hay từ người bạo hành? Từ đó, mỗi người vợ, người chồng cần cập nhật thêm nhiều kiến thức để vun đắp cho đời sống hôn nhân trở nên tốt đẹp hơn", bà Hương cho hay.