Hà Nội: Rà phương án xây dựng mức thưởng Tết Nhâm dần
(Dân trí) - Liên đoàn lao động Hà Nội đang yêu cầu cấp quận, huyện, thị xã kết hợp với doanh nghiệp thực hiện phương án tăng lương, chi lương, thưởng Tết và phúc lợi cho người lao động dịp Tết Nhâm dần.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Hà Nội cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội.
Thống kê mới nhất của LĐLĐ TP Hà Nội, tới ngày 24/12, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến 3.006 đoàn viên, công nhân viên lao động của Hà Nội là F0, 52.174 công nhân và người lao động dừng và mất việc làm.
Theo nhận định của LĐLĐ TP Hà Nội, tại thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp đang triển khai phương án tăng lương, chi trả lương thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động. Đây cũng là lúc những mâu thuẫn có thể dẫn đến tranh chấp lao động và đình công có nguy cơ phát sinh.
LĐLĐ TP yêu cầu chú trọng việc tăng cường công tác phổ biến pháp luật, các nội quy và quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, không để phát sinh những điểm nóng về quan hệ lao động, bị các đối tượng lợi dụng kích động tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Trước thực tế đó, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở khẩn trương chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, giám sát nhiều nội dung, như: Việc thực hiện những giao kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng; xây dựng phương án về mức thưởng Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, sớm thông báo đến tập thể người lao động biết, yên tâm làm việc.
Đồng thời, các cấp công đoàn cần nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động ở từng bộ phận, từng doanh nghiệp. Khi có vướng mắc phát sinh cần hỗ trợ công đoàn cơ sở khẩn trương tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người sử dụng lao động giải quyết kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra.
Liên quan tới quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố yêu cầu chú trọng công tác rà soát, lập hồ sơ quan hệ lao động, xác định các doanh nghiệp có quan hệ lao động phức tạp dễ dẫn đến tranh chấp lao động, đình công để chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó kịp thời.
Đặc biệt, khi có tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động...
Mức thưởng Tết 2021 đạt 400 triệu đồng
Dịp Tết 2021, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã công bố báo cáo kết quả khảo sát tình hình lương, thưởng của 6.325 doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất đạt 400 triệu đồng và mức thấp nhất là 400.000 đồng. Khảo sát được thực hiện với 4 loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, gồm: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI.