Hà Nội: Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có gì mới?
(Dân trí) - Tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn Hà Nội đều được hỗ trợ thêm tiền đóng trong giai đoạn 2022-2025.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, theo Phụ lục 04 Nghị quyết số 03, từ 01/8/2022 đến hết 31/12/2025, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn với mức sau:
Hộ nghèo được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.
Hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.
Các đối tượng khác được hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.
Mức hỗ trợ này không áp dụng rộng rãi trên toàn quốc mà chỉ áp dụng trong phạm vi địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhờ có chính sách hỗ trợ mức đóng, người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được giảm đáng kể số tiền bảo hiểm phải đóng.
Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/8/2022 đến 31/12/2025. Theo kế hoạch, thành phố dự kiến hỗ trợ kinh phí khoảng 181,966 tỷ đồng để hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Ai được hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện?
Phụ lục 04 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND thành phố Hà Nội đã nêu rõ được áp dụng chính sách hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Nội và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Nghị quyết 03 cũng liệt kê cụ thể các đối tượng được hỗ trợ bao gồm:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 03 tháng trước 01/01/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ 01/01/2018 trở đi.
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.
Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; người nông dân, người lao động tự tạo việc làm (bao gồm cả người tự tổ chức hoạt động lao động) để có thu nhập cho bản thân và gia đình.
Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu (trừ trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thực hiện đóng BHXH tự nguyện 1 lần).
Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách quận, huyện, thị xã. Riêng năm 2022, đối với các huyện, thị xã khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kinh phí hỗ trợ gửi Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tổng hợp, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách.
UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với vấn đề an sinh xã hội, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện.
Đặc biệt, các đơn vị cần mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội ở các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các đơn vị, cơ quan có liên quan khi thực hiện chính sách hỗ trợ phải công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ.