Gói hỗ trợ 886 tỷ đồng: TPHCM đã giải ngân tới 220.000 người dân
(Dân trí) - Chưa đầy một tháng, TPHCM đã gấp rút hỗ trợ cho 230.000 người dân gặp khó khăn do Covid-19. Dự kiến sẽ có những nhóm lao động tự do khác được đề xuất hỗ trợ thêm trong thời gian tới.
Sáng 17/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin, cơ quan này đang gấp rút triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM và gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. TPHCM quyết tâm không để người dân nào bị khổ vì đại dịch Covid-19.
"Về tiến độ giải ngân của gói 886 tỷ đồng, đến nay, 220.000/230.000 lao động tự do đã nhận được hỗ trợ với số tiền 330 tỷ đồng (đạt 95%). Còn hơn 10.000 lao động chưa nhận được hỗ trợ do về quê tránh dịch hoặc ở trong khu phong tỏa, khu cách ly", ông Lê Minh Tấn chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cơ quan chức năng của TPHCM đang tìm mọi cách liên hệ với những lao động chưa nhận được hỗ trợ để hỗ trợ sớm nhất. Thành phố tiếp tục chi hỗ trợ cho các công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.
"Trong tháng 7, những công nhân bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, công nhân tại các doanh nghiệp bị dừng hoạt động theo yêu cầu của thành phố, các hộ kinh doanh cá thể... sẽ nhận được hỗ trợ", ông Lê Minh Tấn chia sẻ thêm.
Sau ngày 25/7, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ có đề xuất hỗ trợ thêm những nhóm lao động tự do ngoài nhóm đã được hỗ trợ tại gói 886 tỷ đồng. Những đối tượng cụ thể sẽ được nghiên cứu kỹ để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.
"Những người thợ hồ, giúp việc nhà, bóc hành tỏi, buôn bánh bán bưng... bị ảnh hưởng bởi dịch từ ngày 31/5 - 29/6 sẽ được đề xuất hỗ trợ thêm. Đây là những lao động tự do bị mất, giảm thu nhập. Sau khi hỗ trợ xong đợt này, Sở sẽ tiếp tục đề xuất hỗ trợ những lao động khó khăn do giãn cách xã hội từ 9/7 đến nay. Lúc này nhóm tài xế chạy xe công nghệ sẽ được xem xét", ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.
Nhóm lao động tự do đã được hưởng hỗ trợ tại gói 886 tỷ đồng đợt này gồm: Người buôn gánh bán bưng; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa, xe ôm truyền thống (xe ôm công nghệ không nằm trong gói hỗ trợ); bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm các công việc tại các hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021.