1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Gỡ khó giải ngân vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi

Lê Thanh Xuân
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cải thiện rõ rệt. Song chương trình cũng đang gặp vướng mắc trong giải ngân vốn.

Cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thảo luận tại Quốc hội vừa qua, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) khẳng định, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đã đạt được một số kết quả tích cực, đời sống nhân dân, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện hơn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, nhất là các cơ quan thường trực các chương trình đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để quản lý, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư trong các chương trình.

Gỡ khó giải ngân vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi - 1

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho hay, qua báo cáo giám sát thấy được việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn nhiều hạn chế, bất cập và nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặc dù Ban Chỉ đạo của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được kiện toàn nhưng cơ chế vận hành chưa nhịp nhàng và thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan với nhau.

Bất cập thứ hai được đại biểu đưa ra là ở việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn. Các nội dung phân bổ vốn chưa sát với tình hình nhu cầu thực tế của địa phương. Có những dự án, tiểu dự án có đối tượng, nhu cầu thụ hưởng ít mà phân bổ vốn lại quá nhiều.

Đại biểu này phân tích, như Dự án 9 chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đầu tư cho nhóm dân tộc thiểu số ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Qua giám sát trong báo cáo nói rõ, như Trà Vinh, Tây Ninh, Điện Biên... việc giao vốn sự nghiệp chưa thống nhất giữa 3 chương trình.

Gỡ khó giải ngân vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi - 2

Đời sống nhân dân, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện (Ảnh minh họa: Nguyễn Phê).

Theo đó, chương trình nông thôn mới thì giao tổng số vốn sự nghiệp, còn chương trình mục tiêu giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi thì giao chi tiết đến từng dự án thành phần nên rất khó khăn cho địa phương triển khai cơ chế lồng ghép thực hiện các chương trình.

Về tiến độ giải ngân chậm, đại biểu này cho hay, đến nay việc giải ngân 3 chương trình mới đạt được dưới 50%, trong đó thì đáng chú ý Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, dân tộc thiểu số là rất khó khăn.

Theo đại biểu, mặc dù Ủy ban Dân tộc, Chính phủ dự báo trong giai đoạn 2021-2025 sẽ giải ngân hết 100% số vốn của chương trình. Tuy nhiên, những khó khăn như hiện nay, nếu không đột phá cơ chế đặc thù thì khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, đặc biệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số, đại biểu nhất trí rất cao những cơ chế đặc thù về các giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu đề nghị có 1 nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền và những cơ chế như Chính phủ đề xuất để giải ngân vốn đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.

Cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), tỉnh Trà Vinh được hưởng lợi của chương trình trên, đặc biệt là đối với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, rõ ràng trong thời gian qua tỉnh cũng gặp một số khó khăn như đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, có những nguyên nhân rất khách quan vượt thẩm quyền của tỉnh và rất cần Quốc hội, bộ, ngành tham gia hỗ trợ. Thực tế trong thời gian qua thì những hướng dẫn văn bản triển khai này còn rất chậm, một trong nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân của tỉnh còn khó khăn.

Gỡ khó giải ngân vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi - 3

Đại biểu Thạch Phước Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Cụ thể, đối với Trà Vinh, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kinh phí phân bổ năm 2022-2023 là 588 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 31/8/2023 là 178 tỷ, đạt khoảng 30% so với kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, số đối tượng thụ hưởng để thực hiện hỗ trợ thì giảm so với thời điểm rà soát. Chính vì vậy cũng ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. 

Một ví dụ khác được đại biểu nêu ra, huyện Trà Cú được chọn triển khai dự án đầu tư hỗ trợ phát triển trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, trong đó có quy định theo khoản 2 Điều 1, Thông tư số 12 của Bộ Y tế thì tiêu chí phải là huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; theo quyết định Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tuy nhiên, Huyện Trà Cú hiện nay không còn xã đặc biệt khó khăn nên không thể đáp ứng tiêu chí này.

Đối với các cơ chế đặc thù mà Chính phủ đã trình Quốc hội, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc rất mong các đại biểu Quốc hội đồng tình, đồng thuận để tháo gỡ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, những vấn đề này liên quan trực tiếp chủ yếu ở chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu tháo gỡ các cơ chế này sẽ là điều kiện rất tốt và quan trọng để các địa phương có căn cứ để tổ chức triển khai trong thời gian tới được nhanh hơn.

Về việc chuyển nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024, ông Hầu A Lềnh mong muốn Quốc hội xem xét nếu được cho phép chuyển nguồn vốn không thực hiện được của năm 2021, 2022 đang thực hiện tại năm 2023 sang năm 2024.