Giữ gìn nét đặc sắc của nghề dệt vải, góp phần phát triển du lịch Bắc Kạn

CTV

(Dân trí) - Bao đời nay, đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn vẫn miệt mãi phơi sợi, dệt vải, nhuộm chàm…

Các bà, các mẹ tỉ mẩn, nâng niu làm từng bộ quần áo, chiếc khăn, vỏ chăn vải chàm với biết bao tình yêu thương và cả mong muốn lưu giữ nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống dân tộc.

Nằm ngay bên cạnh Viên ngọc xanh "Hồ Ba Bể" (huyện Ba Bể), làng Pác Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) xinh đẹp với những nếp nhà sàn mang đặc trưng riêng của bản làng người Tày.

Giữ gìn nét đặc sắc của nghề dệt vải, góp phần phát triển du lịch Bắc Kạn - 1

Bà Dung miệt mài bên khung cửi.

Du khách đến đây không chỉ ấn tượng bởi cảnh sắc nên thơ, món ăn dân dã mà còn ấn tượng đặc biệt với hình ảnh phụ nữ vùng cao dệt vải. Năm theo năm, cuộc đời nối cuộc đời, nghề dệt vải vẫn được một số gia đình trong thôn Pác Ngòi lưu giữ và truyền lại cho con cháu.

Bên chiếc khung cửi đã ngả màu thời gian, bà Triệu Thị Dung vừa liên tay dệt vải, vừa dân nga hát ru em bé phía sau lưng. Tiếng hát êm êm hòa cùng tiếng kẽo kẹt như đưa khách lạ quay trở về rất nhiều năm về trước.

Khi đó, vải vẫn còn rất hiếm, để mua được không hề dễ, chính vì vậy gia đình người Tày nào cũng có khung cửi. Con gái Tày 15, 16 tuổi đã biết dệt vải, từ những đôi tay khéo, không chỉ quần áo mà cả chăn, gối, rèm cửa… đều được ra đời. Nhưng để có những sản phẩm đó, người phụ nữ phải làm rất nhiều công đoạn tỉ mẩn, dịu dàng và đầy yêu thương.

Giữ gìn nét đặc sắc của nghề dệt vải, góp phần phát triển du lịch Bắc Kạn - 2

Chiếc khăn đặc sắc được dệt và nhuộm chàm hoàn toàn bằng thủ công.

Rất nhiều năm trước, nhiều cái đồng ở làng Pác Ngòi, cứ đến vụ là bông bung trắng xóa, lúc ấy các bà, các mẹ đi hái, mang về phơi khô rồi cán lấy hạt. Sau đó bật bông và kéo sợi thành vòng tròn, rồi đem luộc sợi cho chín, trong khi luộc sẽ cho ngô xay vào nồi đang sôi để thành hồ cho sợi chắc.

Sợi luộc xong mang ra nắng phơi cho khô, khi cất về sẽ cho vào "Pài tồng" đi gầm sàn quanh các cột nhà rồi mới cuốn vào khung cửi và bắt đầu dệt. Vải dệt xong, cắt may thành các sản phẩm sẽ đem nhuộm với chàm. Bà Dung bảo, nhiều bước như vậy nên ngày xưa cả năm chỉ dệt được 6-7 bộ quần áo hoặc 3-4 cái vỏ chăn.

Với người phụ nữ ngày ấy, dệt vải không chỉ để làm ra các đồ dùng mà còn gửi gắm nhiều tình cảm. Các bà, các mẹ dệt vải cho chồng, con có tấm áo lành, nhà có chăn ấm…

Những cô gái trước khi đi lấy chồng phải chuẩn bị cả năm, bởi lẽ ngày về nhà trai, mỗi người phải mang theo: bộ quần áo truyền thống, vỏ chăn, màn, li đô; đến khi có con, ngày đầy tháng bà ngoại sẽ trao cho em bé mới ra đời một chiếc địu và tã nhiều màu sắc. Quan trọng như vậy, nên dệt vải đẹp là một trong những điều mà các cô gái Tày ngày xưa phấn đấu và tự hào.

Chỉ vào sản phẩm nhiều màu sắc bên khung cửi, bà Dung cười: Ngày xưa dệt vải chỉ có nhuộm màu chàm, nếu trang trí thêm thì dệt những sợi nhiều màu điểm xung quanh. Giờ đây làng không trồng bông mà mua sợi bán sẵn, nhuộm không được nên muốn làm màu gì phải mua luôn sợi màu đó.

Mua về vẫn phải luộc và phơi nắng, nhưng như thế cũng đỡ đi nhiều công đoạn. Gia đình bà vẫn duy trì nghề dệt, trước đây còn bán cho mọi người có nhu cầu về địu, tã, chăn. Những năm gần đây du lịch phát triển nên làm thêm túi, mũ, khăn để bán cho du khách.

Để bán được nhiều hơn, những người dân tại đây được xã tổ chức cho học thêm dệt hoa văn, dệt chữ, nhưng hiện nay mới đang tập nên làm chưa được nhanh.

Để chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về dệt truyền thống, bà Dung nhiệt tình đưa ra khoảng sân lớn của Nhà văn hóa Pác Ngòi, tại đó bà Dương Thị Lan đang miệt mài phơi mẻ sợi mới luộc hôm qua. Bà Lan cười hiền: Tôi bỏ dệt vải được một thời gian dài đấy, vì thấy vải bây giờ mua dễ, lại rẻ.

Nhưng mỗi khi gặp ai trong làng đang ngồi dệt vải lại thấy buồn lắm. Thời gian gần đây, nhiều du khách lại tìm mua sản phẩm dệt truyền thống, tôi vui lắm, lại đặt làm chiếc khung cửi mới.

Mỗi ngày ngồi dệt vải đều mong muốn người trẻ thấy thích mà học theo, vì có như thế sau này người già như chúng tôi về với núi thì khung cửi mới còn mãi được.

Giữa những sào phơi sợi, hai chiếc lưng cúi thấp nâng niu từng bó trắng tinh, nhẹ nhàng và ân cần như mong muốn da dết lưu giữ truyền thống của những người đã nửa đời người gắn bó với khung cửi.

Các bà bảo rằng nghề dệt cần sự tỉ mẩn, nếu tập trung thì sẽ làm được rất nhanh, nhưng ít người chịu học dệt lắm, vì dệt mất thời gian mà làm ra sản phẩm tìm chỗ bán khó lại không được giá, một chiếc vỏ chăn to đã nhuộm chàm cẩn thận chỉ bán được 400 nghìn đồng.

Chính vì thế làng Pác Ngòi hiện nay có gần 100 hộ dân nhưng chỉ còn gần 10 chiếc khung cửi. Nhiều người trẻ biết dệt nhưng bận đi làm ăn nên khung cử cứ thế mà mục, rồi lại thành củi.

Những năm gần đây du khách đến thăm và trải nghiệm với Hồ Ba Bể, với làng Pác Ngòi nhiều hơn nên cũng đã có những sản phẩm từ vải dệt truyền thống được yêu thích, tuy nhiên số lượng bán được rất ít.

Chính vì lẽ đó, nên nhiều người muốn quay lại với tiếng "kẽo kẹt" vẫn còn e dè, bà con mong sao thời gian tới đây sản phẩm từ dệt vải truyền thống sẽ được biết đến nhiều hơn và có đầu ra ổn định.

Đồng chí Ngôn Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có một số người dân ở hai thôn Pác Ngòi và Bó Lù là giữ được khung cửi. Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện có bà con giữ nghề truyền thống để làm phong phú hơn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày.

Việc này còn giúp ích cho việc phát triển du lịch khám phá văn hóa địa phương.

Hiện nay, xã đang phối hợp với huyện khảo sát số người biết dệt để mở lớp truyền dạy tại một số thôn theo nhu cầu của người dân. Nhưng rất mong rằng các cấp chính quyền có phương án phù hợp để sản phẩm dệt mà người dân làm ra có chỗ tiêu thụ ổn định, có như vậy thì bà con mới yên tâm và chú tâm hơn vào việc khôi phục và giữ gìn nghề dệt truyền thống.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần. 

Trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Phương Nhi

Ảnh: CTV