Giọt nước mắt của bảo mẫu làm việc tại trại trẻ mồ côi
(Dân trí) - Nhìn đứa trẻ mồ côi do chính tay mình chăm sóc, được người lạ nhận nuôi, Zhang Ning (quốc tịch Trung Quốc) không khỏi xúc động. Đối với cô, đó là nỗi buồn chia xa nhưng giọt nước mắt lại là hạnh phúc.
7h, tại trại trẻ mồ côi Yongjiang (Trung Quốc), tất cả mọi người đều hướng đến cổng chính để chờ sự xuất hiện của quản lý. Mỗi khi có một đứa trẻ tại cơ sở được nhận nuôi, không khí tại trại trẻ lại khác hẳn ngày bình thường.
Jun là cậu bé sắp được một gia đình ngoại quốc đón về. Ngay trước cửa trung tâm, Jun mặc chiếc áo mới, cầm chiếc bánh quy trên tay, đứng cùng Fu - nhân viên chăm sóc của mình.
Lo lắng Jun sẽ đói trên đường về nhà của bố mẹ nuôi, Fu đã mua cho cậu một vài chiếc bánh bao hấp và túi đồ ăn nhẹ. Theo kinh nghiệm của những nhân viên chăm sóc tại đây, những đứa trẻ được gửi ra nước ngoài để nhận nuôi thường không khóc nhiều. Bởi các em không thật sự hiểu chuyện gì đang xảy ra.
"Nếu tôi biến mất một tuần, có lẽ các em sẽ không nhận ra tôi khi gặp lại", Fu nói đùa.
Thế nhưng, cảm xúc của những nhân viên chăm sóc lại khác.
Zhang Ning, một tình nguyện viên lâu năm tại Yongjiang, kể lại rằng khi Jun được nhận nuôi và chính thức rời khỏi trại trẻ, cô đều hỏi về cảm xúc của Fu.
Nữ nhân viên khiến Zhang xúc động khi nói bản thân cô vẫn chưa quen được việc đứa trẻ ấy đã rời đi. Mỗi khi có một đứa trẻ khác gọi tên Jun, Fu đều giật mình, nhận ra cậu thật sự đã không còn ở cơ sở.
Jun là một cậu bé có sức khỏe kém, bị hở môi và vòm miệng nghiêm trọng, phải phẫu thuật 3 lần để điều trị. Trước, trong và sau mỗi ca phẫu thuật, Fu là người túc trực ở bệnh viện.
Jun không thể ăn đồ cứng trong 2 ngày, nữ nhân viên cũng chính là người tận tay nấu cháo và đút từng muỗng cho cậu. Khi Jun xuất viện, Fu cũng là người thức khuya để chăm sóc cậu bé. Vì thế, nữ nhân viên thường xuyên tan ca muộn, về nhà trong sự phẫn nộ của chồng.
Thế nhưng, khi thấy đứa trẻ hồi phục, có thể tự chơi cả ngày mà không mệt, Fu như được tiếp thêm động lực.
Ở trại trẻ mồ côi, Fu có thâm niên hơn 10 năm và là người lớn tuổi nhất trong số 6 nhân viên chăm sóc. Cô hiếm khi thể hiện tình cảm với trẻ, đặc biệt là những em đã được nhận nuôi, quay trở về thăm cơ sở.
Bởi lúc ấy, các em hầu hết đã quên các nhân viên chăm sóc. Vì thế, họ phải kiềm chế cảm xúc, không giữ mối liên hệ tình cảm với trẻ để tránh nhớ nhung chúng, gây ra nỗi đau không cần thiết cho bản thân.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, nữ nhân viên Fu vẫn có một đứa trẻ mà cô yêu thương nhất. Cậu bé Hải là người được Fu đưa về nhà chăm sóc, thậm chí dắt đến gặp bạn bè và người thân của cô.
Đó cũng là đứa trẻ khiến Fu rơi nước mắt lúc cậu được nhận nuôi. Nhớ lại hôm ấy, Fu kể rằng bản thân đã đóng gói đồ đạc và chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho Hải. Cô còn chạy về nhà, lấy chiếc cặp mà mình đã mua, mang tặng cho Hải.
Khoảnh khắc nhìn chiếc ô tô chở cậu bé đi khuất dần, Fu bật khóc nức nở. Ngày hôm sau, bố mẹ nuôi của Hải đưa cậu đến thăm trại trẻ. Mang theo chiếc cặp mới do bố mẹ nuôi tặng, Hải thở hổn hển, chạy về phía Fu, gọi: "Mẹ ơi, mẹ ơi".
Những cuộc đoàn tụ này thường diễn ra chóng vánh. Khi đến giờ rời đi, Hải khóc và không muốn lên xe. Sau này, khi Hải được đưa ra nước ngoài, cậu liên lạc với trại trẻ vài lần rồi về sau không thấy nữa.
"Chăm sóc trẻ mồ côi là một công việc khó khăn về mặt cảm xúc. Chăm sóc những đứa trẻ này đồng nghĩa với việc hình thành mối liên kết với chúng.
Nhưng khi các em lớn lên, được nhận nuôi, đi sang một đất nước khác, chúng tôi sẽ bị lãng quên và mất liên lạc hoàn toàn. Điều này khiến bản thân tôi cảm thấy trống rỗng và buồn, thật vậy. Chúng tôi chỉ là những người chăm sóc bọn trẻ trong khoảng thời gian nhất định, còn bố mẹ nuôi mới lo cho các em cả đời", Fu trải lòng.