Giây phút người thân nhận lại kỷ vật của cán bộ đi B

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều người xúc động khi chứng kiến giây phút thân nhân nhận lại những kỷ vật quý báu của cán bộ đi B. Trong đó, có gia đình tiếp nhận được thông tin của người thân sau 70 năm.

Ngày 28/8, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 đã tổ chức lễ trao hồ sơ và kỷ vật cho cán bộ tỉnh Bình Định đi B, cùng với trưng bày tài liệu lưu trữ "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc".

Tại sự kiện này, Ban tổ chức đã trao trả 57 hồ sơ và kỷ vật cho thân nhân và gia đình các cán bộ đi B.

Giây phút người thân nhận lại kỷ vật của cán bộ đi B - 1
Ông Lê Quang Dũng xúc động mở bộ hồ sơ lưu những kỷ vật của người cha mà ông chưa biết mặt (Ảnh: Doãn Công).

Có mặt từ rất sớm để nhận lại hồ sơ và kỷ vật của cha - liệt sỹ Đinh Hương, sau gần 70 năm, ông Đinh Lợi (74 tuổi, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định), chia sẻ: "Năm 1954 cha tôi tập kết ra Bắc, khi đó tôi chỉ mới 5 tuổi. Mẹ tôi cũng mất sớm nên thông tin về cha rất ít và cũng mờ nhạt".

Ông Lê Quang Dũng (74 tuổi, con trai liệt sỹ Lê Hải, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng rất xúc động khi nhận lại hồ sơ và kỷ vật của cha.

"Đến tận bây giờ tôi chưa biết mặt mũi cha như thế nào, chỉ biết cha tên Lê Hải (SN 1920). Bao năm mong mỏi, tìm kiếm, hỏi đồng đội của cha nhưng chẳng có tấm ảnh nào lưu lại", ông Dũng nghẹn ngào.

Ông Bùi Huy Phúc, đang công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định, cũng chia sẻ cảm xúc khi nhận lại kỷ vật của cha.

Giây phút người thân nhận lại kỷ vật của cán bộ đi B - 2
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao trả hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân gia đình cán bộ đi B (Ảnh: Doãn Công).

"Qua kỷ vật đã nói lên tất cả những câu chuyện về cuộc đời đầy gian nan của các cán bộ tập kết ra Bắc cũng như cha ông thời ấy", ông Phúc nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, chương trình nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm thi hành Hiệp định Geneve, kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, cho hay các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ trước khi vào Nam.

Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B còn có nhiều tài liệu như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, huân chương, huy chương...

Giây phút người thân nhận lại kỷ vật của cán bộ đi B - 3
Nhiều tài liệu, kỷ vật được trưng bày (Ảnh: Doãn Công).

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục Trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, nhấn mạnh, việc trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ tập kết đi B là rất cần thiết và ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý lưu trữ trong việc tích cực rà soát tìm kiếm thông tin để trả hồ sơ về với cán bộ và gia đình.

Vang mãi "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc"

Trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc" kéo dài đến hết 31/12, với ba phần:

Phần thứ nhất: "Ký ức những ngày tập kết ra Bắc" - trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về thi hành Hiệp định Geneve; các chuyến tàu tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn...

Phần 2: "Nam Bắc vẫn là một nhà" - trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về sự đón tiếp, chăm lo của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam tập kết...

Phần 3: "Mãi mãi tuổi thanh xuân" - trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu hồ sơ, kỷ vật một số cán bộ tập kết đã mất tại miền Bắc và của cán bộ đi B và một số liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ...