"Giao thừa năm nay, tôi sẽ gặp vợ con qua điện thoại..."
(Dân trí) - "Tôi ở trọ nên cũng không sắm sửa hay ăn uống rình rang gì. Đêm giao thừa, chắc cũng chỉ gọi video về nhà để xem gia đình ở Nghệ An đón Tết ra sao... ", anh Hoàng Anh cho biết.
Gặp vợ con qua điện thoại
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm vừa qua, anh Tạ Khắc Hoàng Anh (27 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) hầu như chỉ nói chuyện với vợ và 2 con qua điện thoại. Những ngày giáp Tết, nhìn những người trong khu trọ vui vẻ đi mua sắm bánh kẹo, sắp xếp quần áo về quê, anh càng thêm chạnh lòng.
Anh Hoàng Anh làm công nhân cho một công ty tư nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhưng do dịch bệnh nên phải ngừng việc hơn 3 tháng nay. Không có thu nhập, ở quê cũng "ngại" những người về từ vùng dịch, anh quyết định ở lại đất khách ăn Tết. Năm đầu ăn Tết xa quê nhưng đối với anh Tết cũng không khác ngày thường.
"Tôi ở trọ nên chắc cũng không sắm sửa hay ăn uống rình rang gì. Đêm giao thừa, chắc cũng chỉ gọi video về nhà để xem ở quê đón Tết như thế nào. Dù có khó khăn nhưng tôi vẫn mua quà gửi về cho ông bà ở quê và mua quần áo mới tặng hai con nhỏ", anh Hoàng Anh chia sẻ.
Chuẩn bị bước qua năm mới, anh Hoàng Anh mong muốn dịch bệnh được kiểm soát để công việc được ổn định, có thu nhập để gửi về quê cho gia đình. Cũng mong sang năm, gia đình anh có thật nhiều sức khỏe, con cái mau ăn chóng lớn.
Sau khi học xong cao đẳng, bạn Vương Đình Đức (sinh năm 1994, huyện Ia Grai, Gia Lai) không xin được việc làm. Cuộc sống anh là chuỗi ngày tha hương với đủ trăm nghề để kiếm sống trên mảnh đất TPHCM.
Năm 2017, Đức tìm được một công việc ổn định tại Công ty Thiết bị đo đại trắc địa với mức lương hơn 7 triệu đồng. Tại đây, Đức đã cần cù, chịu khó đi giao và tư vấn các linh kiện máy móc.
Tuy nhiên, 2 năm qua, dịch Covid -19 bùng phát khiến công việc của anh Đức bị tạm dừng. Giữa năm 2021, anh bị cách ly tại nhà nhiều tháng trời. Đức bộc bạch: "Vì không có tiền ở nhà trọ nên tôi đã về nhà ở Gia Lai để đi hái và bốc vác cà phê thuê. Hơn tháng trước, dịch lắng xuống nên tôi đã tiếp tục qua lại TPHCM để thực hiện tiếp công việc đang còn bị gián đoạn".
"Công ty cũng hỗ trợ cao cho những người ở lại làm Tết nên tôi đã đăng ký ở lại. Tôi mong muốn có thể kiếm thêm chút tiền để thực hiện ước mơ, bù lại thời gian nghỉ do dịch. Tôi mong rằng dịch được khống chế để cho mọi người yên tâm đi làm. Gia đình ở nhà cũng được ăn một cái Tết an toàn, vui vẻ ", Đức cho biết thêm.
Hơn 10 năm đón Tết trên tàu
Hơn 20 năm vào TP Quy Nhơn (Bình Định) đi buôn bán đào mỗi dịp Tết, ông Nguyễn Phú Hiến (58 tuổi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết đã có hơn chục năm phải đón Tết ở trên tàu.
Ông Hiến kể, ngày trước nghèo khó, phương tiện đi lại còn khó khăn nên mỗi lần đi, ông chỉ đưa được vài chục gốc đào Nhật Tân chất trên nóc xe khách để vào Quy Nhơn bán mỗi dịp Tết.
"Năm nào cũng vậy, cứ đêm 30 Tết dù bán hết hay không hết tôi cũng dọn hành lý bắt xe lên ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước) để đón chuyến tàu muộn nhất để về quê. Khi về đến nhà thường đã ngày mùng 2 Tết rồi, nhưng cuộc sống mưu sinh mỗi người mỗi nghề mình phải chấp nhận thôi", ông Hiến nói.
Trải qua hơn 2 năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Hiến hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi để người dân trở về cuộc sống bình thường.
"Đầu năm khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người trồng đào rất lo lắng vì sợ không bán được sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cũng nhờ chính quyền địa phương, tôi đã được tiêm 2 mũi vaccine sớm nên việc đi lại buôn bán được khơi thông. Không như trước đây có người F0 là lại đóng cửa, dừng mọi hoạt động", ông Hiến nói.