Giao thừa của những người không có Tết

Diệp Phan

(Dân trí) - Trong thời khắc chuyển giao năm mới, nhiều người làm việc vì nhiệm vụ, một số khác lại cố bán thêm vài tờ vé số hay nhặt thêm vài chiếc vỏ lon để dành ra Tết bán ve chai.

Giao thừa của những người không có Tết - 1

0 giờ, ngày mùng 1 Tết, ông Dương Tấn Nhỏ kéo xe rác ngang qua đường Nguyễn Thông, quận 3. Làm công nhân vệ sinh gom rác thời vụ đã 8 năm nay, ông Nhỏ đã quen với việc làm đêm giao thừa. "Tôi làm từ chiều đến giờ đã gom được 14 thùng rác như thế này. Đêm nay tôi làm đến rạng sáng thì mới hết ca", ông Nhỏ chia sẻ.

Giao thừa của những người không có Tết - 2

Vốn không có vợ con, việc cúng giao thừa ông giao cho người mẹ già ở nhà lo liệu. Làm việc xuyên Tết nhưng ông vẫn thấy vui vì góp phần làm sạch đường phố trong sáng đầu năm. "Kỷ niệm vui nhất trong đêm giao thừa nhiều năm qua đó là tôi được các nhà hảo tâm lì xì. Nghỉ giải lao, tôi và anh em trong nhóm sẽ ngồi lại trò chuyện và ăn uống cùng nhau", ông Nhỏ kể.

Giao thừa của những người không có Tết - 3

0h7', anh Hòa, 46 tuổi, một người không nhà làm nghề nhặt ve chai đã hơn 10 năm đang đứng ở vòng xoay Dân Chủ, quận 3 xem bắn pháo hoa. "Đêm nay tôi nhặt được nhiều ve chai hơn, để dành ra Tết bán. Tôi còn được người ta cho bánh mì ăn. Đạp kiếm ve chai 1 vòng nữa tôi sẽ tấp vào vỉa hè để ngủ", anh Hòa chia sẻ.

Giao thừa của những người không có Tết - 4

0h20', anh Thành, 44 tuổi, một người khiếm thị, đi xe ôm công nghệ từ nhà ở đường Âu Cơ ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 bán vé số từ chiều. Hôm nay anh lấy 250 tờ vé số, nhiều hơn ngày thường 100 tờ với mong muốn kiếm thêm chút tiền trong năm mới.

Giao thừa của những người không có Tết - 5

Đứng cạnh anh Thành trên đường Nguyễn Thị Minh Khai là anh Đỗ Hữu Bình, 50 tuổi đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở góc ngã tư. Đây là năm đầu tiên anh trực đêm giao thừa trong 6 năm làm nghề. "Tuy có chút vất vả hơn nhưng tôi cảm thấy may mắn khi còn được làm việc. Năm mới, chúc cho mọi người ai cũng có sức khỏe và có công việc ổn định hơn", anh Bình nhắn gửi.

Giao thừa của những người không có Tết - 6

Gần 1h, ông Phước, 57 tuổi - một tài xế xe ôm truyền thống vẫn còn ngồi chờ khách ở góc đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Hơn 20 năm làm nghề này, giao thừa năm nào ông cũng túc trực ở đây để chờ khách hoặc hỗ trợ những người bị hư xe, cần đẩy về để kiếm thêm thu nhập ngày Tết. "Mấy năm nay xe ôm công nghệ phổ biến khiến tôi thất thu, tôi chỉ mong năm tới vẫn có thể làm đủ ăn là may lắm rồi", ông Phước tâm sự.

Giao thừa của những người không có Tết - 7

Tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, chị Hằng, 43 tuổi cùng con trai và cháu vẫn còn đứng bán bong bóng. Ngày thường chị cũng làm công việc này nhưng chỉ bán ban ngày. Tết là thời điểm chị tranh thủ bán thêm buổi tối vì dòng người đi chơi về khuya. "Tôi bán thêm chút nữa thôi rồi phải về vì ở nhà có đứa con gái nay bị bệnh", chị nói, khi đồng hồ đã điểm đúng 1h.

Giao thừa của những người không có Tết - 8

Cạnh chỗ bán hàng của chị Hằng là nơi ông Hoàng Thùy, 65 tuổi đang ngồi rầu rĩ. Người đàn ông gốc Huế thất nghiệp nhiều tháng nay nên phải trả nhà trọ ra ngoài đường ngủ. "Tết đến thấy mọi người xôn xao làm tôi tủi thân quá. Tôi ước được về quê chứ già rồi một mình ở Sài Gòn không biết tương lai ra sao", ông ngậm ngùi.

Giao thừa của những người không có Tết - 9

Anh Trần Thái Đậm, 30 tuổi đang ngồi ở góc đường Đinh Tiên Hoàng chờ hỗ trợ vá xe miễn phí cho người qua đường. "Tôi chỉ lấy tiền nếu xe họ hư ruột buộc phải thay. Với tôi thì ngày Tết cũng như ngày thường, tôi vẫn làm công việc của mình thôi", anh Đậm nói và cho biết sẽ ngồi đến gần sáng thì chạy xe về nhà ở huyện Củ Chi.