Giang hồ hoàn lương, "bén duyên" trên vùng đất cằn cỗi

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Bỏ lại quá khứ lỗi lầm, nhiều người đã chọn mảnh đất Ayun (Gia Lai) để làm lại cuộc đời. Dẫu kinh tế còn khó khăn nhưng mọi người đều hạnh phúc vì được tự do, được yêu thương.

"Tôi thấy tự do quý giá biết chừng nào…!"

Chạy dọc tuyến đường liên xã Ayun đến trung tâm thị trấn Kon Dỡng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), chúng tôi đã gặp bác xe ôm Phạm M. T. (sinh năm 1961, trú tại xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) rất vui tính và nhiệt tình. Với những hoàn cảnh khó khăn và người già, ông luôn sẵn sàng chở miễn phí.

Gặp chúng tôi, ông T. không ngại ngần chia sẻ về quá khứ "bất hảo" và cái giá phải trả là gần 27 năm sống khắp các trại giam. Từ năm 19 tuổi, ông cùng chúng bạn đua đòi, quậy phá khắp vùng đất xứ Huế. Thời đó, ông được những người trong giang hồ phong cho danh đại ca vì độ liều lĩnh, ăn chơi…

Giang hồ hoàn lương, bén duyên trên vùng đất cằn cỗi - 1

Gác lại những quá khứ lầm lỗi, ông T. đã định cư trên mảnh đất Ayun với nghề xe ôm.

Theo chúng bạn ăn chơi nhưng không có tiền, ông đã đánh liều chặn xe cướp, rồi nhỡ tay đâm chết người. Cái giá cho sự xốc nổi ấy đã khiến ông T. phải nhận mức án hơn 16 năm tù. Thanh xuân của ông đều xoay trong 4 bức tường trại giam. Lúc đó, nỗi nhớ về gia đình đã khiến ông ân hận và nhận ra hậu quả của hành động tuổi trẻ bồng bột.

Trong tù, ông cũng luôn chú tâm cải tạo tốt. Ông cũng xin cán bộ giám thị được học nhiều nghề để khi trở về xã hội có thể làm lại cuộc đời. 16 mùa xuân qua đi, ông T. đã mãn hạn tù và trở về xã hội.

Lúc này, ông quyết định không trở về quê nhà mà lập nghiệp tại mảnh đất Ayun (Mang Yang, Gia Lai) để phát triển kinh tế. Tại đây, ông cũng tìm được một nửa của đời mình. Đám cưới được tổ chức đơn sơ, dưới sự chứng kiến của bà con hàng xóm. Từ khi có gia đình, ông T. chăm chỉ làm ăn, tìm kiếm đủ nghề để mong muốn mang lại cuộc sống ổn định cho vợ con.

Cuộc đời lại trớ trêu: Khi ông T. mưu sinh bằng nghề chạy xe ở TP Hồ Chí Minh thì đã xảy ra tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra tai nạn, công an lại phát hiện ông T. đã từng mua dùm một cây súng cho người bạn ở đây. Chính vì vậy, ông T. đã lĩnh án 9 năm với 2 tội danh.

Giang hồ hoàn lương, bén duyên trên vùng đất cằn cỗi - 2

Mảnh đất cằn Ayun, nơi đã ươm lên "mầm hy vọng" cho những số phận trở về từ lầm lỗi.

Năm 2018, ông T. hết án và được trở về với mảnh đất Ayun. Lúc này, sức của ông T. cũng đã yếu nhiều và bị bệnh hen mãn tính. Bởi vậy, ông T. cũng không làm được việc nặng nên ông chỉ chạy xe ôm để phụ giúp vợ.

"Cuộc đời tôi phần nhiều đều ở trong trại. Giờ ra xã hội thì sức tôi cũng đã yếu. Điều tôi thấy hạnh phúc nhất là được trở về với vợ con và hưởng sự tự do. Tuổi đã xế chiều nên tôi mong muốn có thể làm những điều có thể để trả lại những sai lầm mà tôi gây ra", ông T bộc bạch.

"Học nghề trong trại… làm giàu ngoài xã hội"

Anh Bùi Văn Đ. (sinh năm 1973, trú xã Ayun, Mang Yang) vốn là một người dân nhiệt tình và thường giúp làng xóm hòa giải những mâu thuẫn. Trong một lần sửa súng để đi rừng săn cùng thanh niên trong làng, anh Đ. đã vô ý làm súng cướp cò bắn vào cháu H'Dưng (15 tuổi cùng làng) khiến cháu tử vong trên đường cấp cứu.

Vào trong trại giam Gia Trung (xã Ayun Mang Yang), anh Đ. đã cải tạo tốt và có tài nấu ăn ngon nên được sắp xếp công việc phụ bếp. Nhờ đó, anh Đ. đã có cơ hội học hỏi thêm về nghề nấu ăn. Anh cũng chăm chỉ và cải tạo tốt nên đã được giảm án. Sau hơn 15 tháng, anh đã được trở về với gia đình và buôn làng.

Giang hồ hoàn lương, bén duyên trên vùng đất cằn cỗi - 3

Từ nghề nấu ăn, anh Đ. (giữa) đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch với thu nhập ổn định.

Mới ra trại, anh Đ. cũng ái ngại về quá khứ và lầm lỗi mà mình đã gây ra. Biết vậy, chính quyền địa phương cùng người uy tín trong làng thường xuyên gần gũi anh, giúp anh hòa nhập cộng đồng.

Do có kinh nghiệm nấu ăn, anh đã được giúp đỡ xin vào làm nhân viên của Ban quản lý bảo vệ rừng vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Công việc chính của anh là chuẩn bị đồ ăn và hướng dẫn viên cho các đoàn du lịch khi đến thăm quan.

Nhờ tài ăn nói lưu loát, nấu ăn giỏi, anh Đ. đã có công việc với thu nhập bước đầu. Mỗi tháng, anh Đ. được nhận mức lương từ 3-5 triệu đồng. Những tháng hoạt động dịch vụ du lịch, anh còn được nhận thêm được tiền hỗ trợ của các đoàn khách. Anh còn tiếp tục phát triển kinh tế gia đình với việc trồng 7 sào lúa và một ha mì.

"Nhờ sự giúp đỡ của giám thị trong trại giam Gia Trung, tôi có cái nghề. Khi ra xã hội, chính quyền địa phương cũng giúp nhiều để tôi tìm được công việc ổn định. Tôi cũng lấy chính mình làm bài học để nói cho thanh niên trong làng không nên ham chơi, ăn nhậu để xảy ra điều mình phải hối tiếc", anh Đ. bộc bạch.

Giang hồ hoàn lương, bén duyên trên vùng đất cằn cỗi - 4

Tại trại giam Gia Trung (xã Ayun, huyện Mang Yang), việc dạy nghề, truyền nghề luôn được chú trọng.

Tương tự, ông Lê Thanh L. (SN 1957, trú xã Ayun) từng dính vào lao lý, vi phạm pháp luật khi tuổi còn trẻ. Nhờ được cán bộ trại giam Gia Trung đào tạo nghề mộc, trồng rừng, ông sớm hòa nhập cộng đồng, lấy vợ sinh con.

Sau khi ra tù, ông đã chịu khó làm ăn, mua những miếng đất cằn cỗi để trồng rừng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả ở xã. Hiện ông L. đang sở hữu hơn 400 trụ tiêu, 2 ha bạch đàn, mỗi năm cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

"Có vợ con, mình cũng biết tránh xa con đường cũ để hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Cũng may có nghề mộc, nghề trồng rừng trong tay nên khi ra xã hội xin việc dễ dàng hơn, không bị bỡ ngỡ. Giờ con cái đã trưởng thành, bản thân luôn muốn làm việc có ích cho xã hội" - ông Lan chia sẻ.

Khi từ trại giam ra, ông L. cũng bị mất hết giấy tờ tùy thân. Do đó trong hơn chục năm nay, ông không thể vay vốn và việc đi lại cũng khó khăn. Nhận thấy ông L. sống tại địa phương lâu năm mà không đi xác minh giấy tờ nên Công an xã Ayun đã gửi giấy đi khắp các địa phương như: Lâm Đồng rồi TP Pleiku, Trại giam Gia Trung để xác minh thông tin.

Những ngày gần đây, ông L. đã có chiếc thẻ căn cước công dân và ông cũng làm cho mình chiếc thẻ bảo hiểm y tế để hưởng các chế độ khám chữa bệnh.

Đại úy Phạm Ngọc Thanh - Trưởng Công an xã Ayun, huyện Mang Yang - cho biết: "Do địa phương có nhiều công dân từng chấp hành án phạt nên hàng năm, công an đều mời, gọi họ lên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, phối hợp cùng chính quyền địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ các công dân xây dựng kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Hầu hết, các công dân chấp hành pháp luật tốt, biết làm ăn phát triển kinh tế".

Giang hồ hoàn lương, bén duyên trên vùng đất cằn cỗi - 5

Những công dân khi chọn mảnh đất Ayun sinh sống đều tu chí làm ăn và nhiệt tình giúp cộng đồng nhằm bù đắp lại những lỗi lầm mình đã phạm phải.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đình Ba - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Gia Trung - cho hay: "Sau khi chấp hành án phạt và được cải tạo giáo dục pháp luật, dạy nghề tốt nên hầu hết các những công dân khi ra tù đều có công việc ổn định. Nhiều công dân vượt trội khi đã là chủ, mở những cửa hàng về điện, cơ khí… lớn nhất nhì của huyện và tạo công việc làm cho các lao động".

"Qua quá trình giáo dục trong trại giam, nhiều công dân đã nhận ra được lỗi lầm của mình. Một số công dân khi ra trại đã "bén duyên" và chọn mảnh đất Ayun để lập nghiệp. Những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng đến công tác dạy nghề, truyền nghề và giáo dục pháp luật để cho các công dân tự tin hơn khi hòa nhập với xã hội bằng những nghề mình đã được học trong trại giam", Đại tá Nguyễn Đình Ba cho biết thêm.

Từ năm 1977 đến nay, xã Ayun có đến 89 trường hợp công dân đã chấp hành án phạt tù về địa phương sinh sống. Trong đó, hơn 40 người có hộ khẩu thường trú nơi khác quyết định chọn Ayun làm nơi lập nghiệp.

Từ một làng quê nghèo khó, hiện nay, xã Ayun phát triển kinh tế, nhà cửa khang trang. Trong đó, nhiều phận người vốn lầm đường lạc bước đã làm lại cuộc đời mới, có cuộc sống tốt hơn.