Giãn cách xã hội kéo dài: Cha mẹ nên làm gì để giải tỏa áp lực
(Dân trí) - Giãn cách xã hội kéo dài khiến cuộc sống nhiều gia đình ở Hà Nội đảo lộn. Lúc này, bài toán sắp xếp lịch làm việc, chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc trẻ nhỏ khiến các bậc phụ huynh đau đầu.
Áp lực tăng cao
Những ngày giãn cách xã hội khiến chị Hoàng Hồng (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Ba đứa con đều học online nên vợ chồng chị phải dành nhiều thời gian để theo dõi việc học và trợ giúp con khi cần.
Chị Hồng làm biên tập viên cho một công ty truyền thông, công việc khá bận. Thời gian rảnh, chị tranh thủ làm việc nhà và dành thêm thời gian buổi tối cho công việc.
"Khi làm việc ở công ty, tôi nghỉ ngơi và ăn cơm lúc 12h. Nhưng bây giờ, 12h là lúc tôi ngừng công việc và chuyển sang nấu cơm, dọn dẹp, sau đó lại vào việc luôn", chị Hồng kể.
Chính vì đảo lộn lịch làm việc và sinh hoạt, chị bị thiếu ngủ. Lúc nào cũng thức dậy lúc 6h và làm việc đến tận 1h ngày hôm sau. Thời gian để chị chơi với con không có.
Với chị Thục Anh (38 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) luôn trong tình trạng căng thẳng, áp lực. Gia đình chị có 2 con nhỏ, một cháu lớp 2, một cháu học mầm non. Chồng chị làm bộ đội phải trực ở đơn vị.
Chị làm việc online, vừa trông con và quán xuyến việc nhà. Trong khi đó, các cháu khá nghịch ngợm.
"Những ngày này, tôi thấy bí bách, đầu óc khi nào cũng trong trạng thái căng thẳng, áp lực gấp đôi ngày thường. Vì thế, tôi làm việc gì cũng không hiệu quả, hay bực dọc với con, nhà cửa lúc nào cũng bề bộn", chị Thục Anh chia sẻ.
Cân bằng giữa công việc và chăm con
Trước bài toán "đau đầu" của các bậc cha mẹ, chuyên gia tâm lý giáo dục Hồ Lâm Giang cho rằng, trong hoàn cảnh giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay, nhiều người không chỉ lo lắng về vấn đề kinh tế mà còn áp lực về vấn đề tinh thần.
Đây là giai đoạn khó khăn của các bậc cha mẹ khi vừa phải làm việc cơ quan, vừa làm việc nhà lại vừa chăm con.
Theo bà Hồ Lâm Giang, để giải tỏa áp lực, mỗi người hãy lựa chọn cho mình một thái độ sống tích cực, lạc quan. Đồng thời, cha mẹ cần học cách "sắp xếp" cuộc sống một cách khôn ngoan, "giảm tải" hoặc giảm "kỳ vọng" một số việc không thực sự cần thiết để giữ được sự cân bằng cho công việc và gia đình.
"Bạn muốn để con thoải mái vui chơi, sáng tạo ở nhà, thì bạn phải chấp nhận nhà nhà cửa sẽ lộn xộn hơn, ầm ĩ hơn. Chỉ cần nhắc con chơi xong sẽ dọn vào như cũ, và ầm ĩ trong giới hạn cho phép vào khung giờ không làm phiền đến người khác nghỉ ngơi là được", bà Giang chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Công Bình, một chuyên gia đào tạo về thái độ sống và kỹ năng sống, điều đầu tiên mà phụ huynh cần phải làm là cân bằng lại cảm xúc của chính mình.
Về công việc, mọi người cần có kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng lập mục tiêu - kế hoạch, biết chia thêm thời gian cho gia đình và tối ưu hóa thời gian cho công việc.
Đối với con cái, phụ huynh nên cho con học cách làm việc nhà, tự vệ sinh cá nhân và nhà cửa. Phụ huynh có thể dạy con nấu ăn, giặt đồ, lau nhà, rửa bát. Điều đó vừa tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, vừa giúp con rèn luyện kỹ năng sống, lại vừa giúp bố mẹ giảm bớt gánh nặng về công việc.
Ngoài ra, cả gia đình nên xây dựng một nhịp sống điều độ với những khung thời gian được định sẵn.
"Phụ huynh có thể cho con đi ngủ trước 22h và dậy sớm lúc 5h ngày hôm sau, cùng con tập chơi một môn thể thao trong nhà hoặc ngoài sân vào 6h. Đồng thời, cả gia đình có thể cùng xem những bộ phim ý nghĩa vào 20h và cùng nhau chia sẻ cảm nhận. Cân bằng lại chế độ dinh dưỡng, nấu những món ăn mới mà lâu nay chúng ta không có thời gian để làm", ông Nguyễn Công Bình nói.