Giả danh thương binh, gia đình liệt sĩ... đòi tiền hỗ trợ Covid-19

(Dân trí) - Trong gần 100.000 tin phản ánh về tiền hỗ trợ Covid-19 ở TP Thủ Đức (TPHCM), nhiều tin mạo danh thương binh, gia đình liệt sĩ... đòi hỏi nhiều lần hỗ trợ, thậm chí lăng mạ cán bộ xác minh tin.

Giả danh thương binh, gia đình liệt sĩ... đòi tiền hỗ trợ Covid-19 - 1

Đoàn công tác do Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm làm trưởng đoàn đến kiểm tra việc chi hỗ trợ các gói an sinh trên địa bàn TP Thủ Đức (Ảnh K.T). 

Ngày 12/11, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm cùng đoàn công tác đã đến TP Thủ Đức kiểm tra việc thực hiện các gói hỗ trợ an sinh cho người dân gặp khó do Covid-19.

Theo báo cáo, TP Thủ Đức đã chi hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ người dân khó khăn trong đợt 1, hơn 500 tỷ đồng trong đợt 2 và đợt 3 hơn 965 tỷ đồng. Trong quá trình chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân thực sự khó khăn, TP Thủ Đức có 26.532 người từ chối nhận hỗ trợ, trùng tên, không đủ điều kiện...

Dù đã tập trung hỗ trợ người dân nhưng do áp lực công việc, số lượng người hỗ trợ quá lớn nên việc rà soát, lập danh sách còn thiếu sót, chưa đầy đủ. Các gói hỗ trợ triển khai chưa dứt điểm, gói này chồng chéo gói kia nên gây khó khăn cho chính quyền, người dân.

Giả danh thương binh, gia đình liệt sĩ... đòi tiền hỗ trợ Covid-19 - 2

Do địa bàn rộng, số người khó khăn lớn nên việc triển khai hỗ trợ an sinh ở TP Thủ Đức gặp nhiều khó khăn.

Về giải quyết thông tin phản ánh của người dân, đại diện Phòng LĐ-TB&XH TP Thủ Đức cho hay, đến ngày 5/11, TP Thủ Đức có hơn 85.000 tin phản ánh qua tổng đài 1022 thắc mắc về các gói hỗ trợ. Việc xử lý tin của người dân gặp khó khăn do chỉ có một người thực hiện tiếp nhận trên hệ thống, tin nóng trực tiếp từ tổng đài 1022. Giai đoạn cao điểm có đến 5.000 tin/ngày nhưng một cán bộ chỉ xử lý tối đa 1.000 tin/ngày.

Trong thời gian qua, TP Thủ Đức xuất hiện tình trạng tin giả, quấy rối, tin không trung thực gây khó khăn cho việc chi hỗ trợ. Cụ thể, có trường hợp mạo danh thương binh, gia đình liệt sĩ, tập hợp nhóm (thợ hồ, bảo vệ), gia đình khá giả... lần lượt thay nhau gọi điện tổng đài 1022.. lăng mạ cán bộ xác minh tin, đòi hỏi nhiều lần hỗ trợ, dù đã nhận hỗ trợ.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề trên, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thống kê từ ngày 1/7-31/10 có hơn 100.000 tin phản ánh về việc chi trả hỗ trợ tại TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức đã xử lý hơn 51.000 tin, hơn 49.000 tin chưa được giải quyết. TP Thủ Đức có tỷ lệ xử lý tin phản ánh còn thấp, có trường hợp phản ánh 8 lần. Có phường hầu như chưa xử lý tin phản ánh của người dân.

Địa phương ghi nhận các phường tiếp giáp với tỉnh Bình Dương có số lượng tin phản ánh cao, chủ yếu của người lao động làm việc tại khu công nghiệp, chế xuất.

Giả danh thương binh, gia đình liệt sĩ... đòi tiền hỗ trợ Covid-19 - 3

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị TP Thủ Đức sớm hoàn tất việc chi hỗ trợ đến người dân.  

Kết luận buổi làm việc Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm ghi nhận những kết quả TP Thủ Đức đã đạt được trong việc triển khai hỗ trợ người dân. Dù TP Thủ Đức là địa bàn rộng, hơn 1,2 triệu dân, tỷ lệ người khó khăn rất lớn nhưng đã chủ động triển khai hỗ trợ người dân đảm bảo kịp tiến độ TP đề ra.

Tuy vậy, ông Lâm cũng đề nghị lãnh đạo TP Thủ Đức đôn đốc 34 phường sớm hoàn tất việc chi trả người dân, những thắc mắc của người dân về gói hỗ trợ cũng cần được giải thích rõ để người dân hiểu và chia sẻ.

Hơn 2.300 người dân ở Hóc Môn tự nguyện nộp trả, từ chối nhận hỗ trợ

Theo báo cáo của UBND huyện Hóc môn, đến nay địa phương đã chi hỗ trợ đợt 1 cho gần 22.000 lao động tự do, hơn 36.000 người đợt 2. Đợt 3, huyện đã chi hơn 450 tỷ đồng hỗ trợ 450.000 người (đạt tỷ lệ 80%), còn 113.000 người chưa nhận hỗ trợ.

Đặc biệt, trong đợt 3, Hóc Môn có 2.300 người tự nguyện nộp trả tiền hỗ trợ vì không đúng đối tượng hoặc từ chối nhận hỗ trợ, tổng số tiền nộp trả hơn 2,3 tỷ đồng.