1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Gánh bánh mì của người phụ nữ tần tảo nuôi 2 con trai thành tài

PV

(Dân trí) - Thu nhập từ công việc làm bếp không đủ trang trải, chị Loan quyết định bỏ việc, khởi nghiệp bán bánh mì, nuôi 2 cậu con trai thi đỗ đại học.

Gánh vác "chén cơm" cả nhà

Cứ 7h hằng ngày, dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM), một người phụ nữ quẩy gánh bánh mì thơm lừng ra phố. Vừa đặt gánh hàng xuống, chị Út (52 tuổi, tên thật là Nguyễn Kim Loan), chủ gánh hàng, đã nghe tiếng í ới của khách quen.

Không để khách chờ lâu, chị Út đáp vội: "Như mọi khi đúng không em?", rồi nhanh nhảu làm một ổ bánh mì kẹp giò lụa, xíu mại, thịt nguội, bì,... với giá 15.000 đồng.

"Tôi bán giá này để ai cũng ăn được, đặc biệt là những người lao động. Nhiều người thích ăn nước sốt do tôi pha nên hầu như sáng nào cũng đến ăn", chị chia sẻ.

Gánh bánh mì của người phụ nữ  tần tảo nuôi 2 con trai thành tài - 1
Cô chủ vui vẻ tiếp đón vị khách đầu tiên trong ngày (Ảnh: Trọng Khang).

Thoạt nhìn bề ngoài, chị Út có dáng người nhỏ nhắn, da sạm đen vì cháy nắng. Người phụ nữ khắc khổ sở hữu chất giọng ngọt lịm.

Bởi những điều dễ thương, dễ mến đó mà khách hàng quý mến, trung thành với gánh hàng rong của chị hơn 2 thập kỷ qua.

"Tôi không ngờ "sự nghiệp" ngồi lề đường của mình đã hơn 20 năm. Tôi bán bánh từ lúc các con còn đỏ hỏn, đến nay chúng đã sắp tốt nghiệp đại học, ra trường chờ công ăn, việc làm đến nơi", chị Út nói, mắt ánh lên vẻ tự hào.

Trước đây, Út từng làm phụ bếp tại một nhà hàng ở quận 7. Chị thường bắt đầu công việc từ 7h đến 21h.

Do sức khỏe không tốt, chồng chị Út không thể làm được các việc nặng nhọc. Vì thế, chị trở thành trụ cột gia đình. Thu nhập ba cọc ba đồng mà chị phải trang trải, nuôi bản thân, chồng, 2 con và 2 người thân ốm nặng của chồng.

Phải gánh vác nhiều, làm việc "bán sống bán chết", đôi tay chị Út giờ đã hằn đầy vết bỏng. Tủi thân lắm nhưng chị chưa từng nghĩ đến việc buông bỏ vì miếng cơm, manh áo của gia đình.

"Nếu tôi không cố gắng thì cả nhà chỉ có thể ngậm muối mà sống qua ngày. Đặc biệt là con tôi, chúng còn nhỏ, cần được học hành như bao đứa trẻ khác nên tôi phải ráng xoay xở cho các con được đến trường", chị Út chia sẻ.

Gánh bánh mì của người phụ nữ  tần tảo nuôi 2 con trai thành tài - 2

Ổ bánh mì đầy thịt mà chị Út bán cho khách (Ảnh: Trọng Khang).

Thấy công việc làm bếp không đủ sống, chị Út gom góp số tiền dành dụm, đánh liều ra đường lang thang với gánh bánh mì bán rong. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm.

Nhưng dần dà, nhiều khách yêu thích loại nước sốt chị Út tự chế biến, thường xuyên lui tới, thành quen. Tiếng lành đồn xa, tình hình kinh doanh ổn định, người phụ nữ buôn thúng bán mẹt cũng có đồng ra, đồng vô lo cho gia đình.

Mục tiêu cho con ăn học đến nơi, đến chốn

Mỗi ngày, chị Út chỉ ngủ vài tiếng. Cứ 3h, chị đã dậy chuẩn bị nguyên liệu, để kịp mở hàng lúc 7h. Sau 3 tiếng bán buổi sáng, chị quay về nhà, tiếp tục soạn hàng cho ca chiều, bán từ 15h đến 18h.

"Nhiều lúc nhọc nhằn quá cũng muốn từ bỏ nhưng nghĩ các con thiếu thốn đủ thứ so với các bạn, tôi không chịu được", chị Út bộc bạch.

Năm 2020, nghe các con thông báo trúng tuyển vào đại học, Út không thể kiềm được nước mắt, chạy đến ôm chầm lấy con.

"Tôi khóc vì hạnh phúc. Thấy các con ăn học hành thành tài, lòng tôi nhẹ nhõm, thanh thản. Chỉ có học thì con cái mới thoát được cảnh bươn chải, khổ cực như tôi", chị Út nghẹn lời.

Gánh bánh mì của người phụ nữ  tần tảo nuôi 2 con trai thành tài - 3

Chị Út quày quả một mình mấy chục năm với gánh bánh mì nơi gầm cầu (Ảnh: Trọng Khang).

Giờ đây, tình hình buôn bán ngày càng thuận lợi. Trung bình mỗi ngày, chị Út bán tầm 300 ổ bánh mì, đỉnh điểm 600 ổ.

Ngoài việc gánh hàng bán trực tiếp, chị còn nhận làm bánh từ thiện cho các đợt hoạt động của mạnh thường quân trong và ngoài nước trên địa bàn.

Nhờ cảm mến của khách hàng, chị có tiền để chăm sóc cho chồng và các con. Khi 2 cậu con trai vào đại học, chị phải chi trả 10-20 triệu đồng/kỳ, tính đến nay cũng đã hàng trăm triệu đồng.

"Các con rất ngoan ngoãn, nghe lời, thường phụ mẹ trông nom nhà cửa. Hiểu được nỗi vất vả của mẹ, thời gian rảnh, các con còn đi làm thêm để lo tiền ăn vặt, xăng xe đi lại. Tôi mừng khi thấy 2 đứa con biết lo nghĩ như vậy.

Năm nay, anh lớn sắp sửa ra trường, còn em út thì 2 năm nữa. Thấy con sắp có công việc ổn định, tôi mừng lắm. Lo được cho 2 "cục vàng" đến đây là tôi đủ mãn nguyện", chị Út trải lòng.

Trọng Khang