Nghệ An:
Gần 7.000 DN được giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Nghệ An, việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ là nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung ưu tiên.
Hơn 2.200 lượt đối tượng được hỗ trợ
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 (NQ 68), UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh này…
Theo bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, để triển khai thực hiện kịp thời, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với cổng thông tin điện tử tỉnh thực hiện chuyên mục "Dân hỏi - cơ quan chức năng trả lời". Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Nghệ An tổ chức buổi đối thoại trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp,…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có những cách làm hay và linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách như: TP Vinh, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Diễn Châu...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10/12 chính sách được thực hiện; tổng số đối tượng được phê duyệt hỗ trợ 6 đợt là 2.256 lượt, trong đó: 1.570 người thụ hưởng trực tiếp, hỗ trợ bổ sung cho phụ nữ mang thai và trẻ em là 686 người...
Gỡ nút thắt cho gần 7.000 doanh nghiệp
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, đến thời điểm này, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 6.966 doanh nghiệp với 148.518 lao động, kinh phí hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng. Hỗ trợ 7 doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 574 người lao động với kinh phí hỗ trợ gần 5,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An cũng đã phê duyệt và giải ngân cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh cho 564 lượt người lao động, kinh phí gần 1,4 tỷ đồng.
"Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo NQ 68 tại một số huyện, thị chậm so với yêu cầu. Có 2 chính sách: Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, chính sách hỗ trợ lao động tự do đã triển khai, nhưng vẫn chưa đạt kết quả", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay Nghệ An đang thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó". Vì vậy, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện.
Để kịp thời hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, ngày 1/9, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, cần tập trung ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách, trình UBND tỉnh quyết định giải quyết kinh phí, cấp phát kịp thời cho đối tượng được hỗ trợ.
Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp đùn đẩy, né tránh, không phối hợp dẫn đến sai phạm trong quá trình rà soát, trùng lặp đối tượng, hỗ trợ không đúng đối tượng, để xảy ra trục lợi chính sách...
Tập trung triển khai tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện, qua dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quy định, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt nhiều kết quả. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.